Điều này khẳng định việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao là yêu cầu cần thiết khách quan trong xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.Hồ Chí Minh.

TP.Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có vị trí chính trị quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế TP. Hồ Chí Minh chuyển dịch đúng định hướng, tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố, các yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố ngày càng cao. Thành phố luôn chú trọng gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Do đó, việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao là yêu cầu cần thiết khách quan trong xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố.

Có thể thấy, qua 5 năm (2010 - 2015), TP.Hồ Chí Minh thực hiện xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao đã đạt một số kết quả bước đầu tích cực, gắn với nhu cầu xã hội ở các lĩnh vực. Tỉ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt trên 70%; số lượng bác sĩ, dược sĩ/10.000 dân đạt chỉ tiêu đề ra; số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, chuyên gia khoa học - kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trên địa bàn chiếm khoảng 30% cả nước; trên 70% công chức, viên chức có trình độ đại học, trên đại học… Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành chính sách, tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, đào tạo đội ngũ chuyên gia, lao động kỹ thuật cao còn ít; chính sách và công tác tổ chức đào tạo nghề chưa theo kịp yêu cầu nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính có hiệu quả.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém và triển khai có hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020 - chương trình đột phá đầu tiên trong 7 chương trình đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh đã đề ra Chương trình hành động với nhiều mục tiêu cụ thể như: Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, đồng thời bổ sung chính sách đủ mạnh để thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó vừa chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chung, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực còn thiếu, vừa quan tâm xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ. Tập trung cho những ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị tăng cao, có vai trò quyết định, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội Thành phố nhanh và bền vững, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

TP.Hồ Chí Minh chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao. (Ảnh: K.V)

Trong đó, Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị của Thành phố được đặc biệt quan tâm và đặt lên hàng đầu. Theo đồng chí Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, mục tiêu của Chương trình là làm sao phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, trước tiên là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, từ cấp thành phố đến cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu chức danh và vị trí việc làm; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước; có năng lực tổ chức thực hiện và giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Cũng theo đồng chí Tất Thành Cang, chỉ tiêu của Chương trình này được đặt ra rất cụ thể trong từng nội dung, như: 100% đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là lãnh đạo, quản lý đương nhiệm và dự bị, nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp trong các tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, đạt tiêu chuẩn theo quy định đối với từng loại chức danh, từng ngạch và từng chức danh nghề nghiệp. 100% công chức các cơ quan hành chính phải đạt trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch; ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn quy định đối với từng ngạch, từng chức danh. Đối với công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương trở lên phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. 100% cán bộ chủ chốt cơ sở phường - xã, thị trấn (bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân; chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc và trưởng các đoàn thể phường - xã, thị trấn) có trình độ đại học hoặc đang học đại học, trung cấp lý luận chính trị trở lên...

TP.Hồ Chí Minh cũng quan tâm đầu tư cho việc phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi. Theo đó, Thành phố sẽ đào tạo trên 20 tiến sĩ và 270 thạc sĩ theo Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ (tập trung tuyển chọn, đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật và xã hội: công nghệ thông tin; xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý đô thị, môi trường; vật liệu mới; quản lý dự án; quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; quản trị kinh doanh, thị trường tài chính, chứng khoán…); thu hút nguồn cán bộ cho Chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân từ 50 chỉ tiêu trở lên. Đồng thời, đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành công nghệ sinh học ở trong nước và nước ngoài (sinh học phân tử động, thực vật; di truyền chọn tạo giống cây trồng; vaccine, protein tái tổ hợp; công nghệ sinh học môi trường; công nghệ vi sinh; công nghệ sinh học thủy sản…). Cùng với đó là đào tạo đội ngũ kỹ sư, thạc sĩ tin học, điện tử… phục vụ công tác quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng, khai thác các chương trình phần mềm ứng dụng trong quản lý nhà nước lĩnh vực giao thông vận tải, vận tải hành khách công cộng, đường sắt đô thị, đường thủy, đường cao tốc, hầm ngầm, cầu vượt trên cao... (ít nhất 50 - 60 trường hợp cho tất cả các hình thức đào tạo trong nước, nước ngoài và kết hợp cả hai hình thức trong và ngoài nước).

Ngoài ra, Thành phố cũng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng công chức, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin và các hình thức tiên tiến nhằm chuẩn hóa và chọn lọc được nguồn nhân lực chất lượng cao. Hoàn thiện quy trình; thực hiện tốt việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đề bạt và bố trí công chức, viên chức gắn với Đề án vị trí việc làm và cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, phục vụ, chuyên nghiệp, tinh gọn, hiện đại. Đẩy mạnh thực hiện các hình thức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Đồng thời đẩy mạnh luân chuyển cán bộ theo quy hoạch, giúp cán bộ rèn luyện, thử thách từ thực tiễn. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, rèn luyện đạo đức cách mạng, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khắc phục hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra qua kiểm điểm tự phê bình và tiếp thu phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII.

Để hiện thực hóa Chương trình nói trên, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, Thành phố đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, tổng dự toán kinh phí cho kế hoạch này là gần 900 tỉ đồng do ngân sách Thành phố đảm bảo. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP. Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng hơn 194.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Đây là số lượng dự kiến, có thể thay đổi, bổ sung, điều chỉnh theo thực tế hàng năm. Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài là 4.820 lượt. Bên cạnh việc chuẩn hóa trình độ cán bộ, công chức, viên chức, TP.Hồ Chí Minh còn chú trọng phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý trẻ.

Có thể thấy, để đáp ứng yêu cầu trong quá trình hội nhập, TP. Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới. Đây là một trong những yếu tố quyết định đúng đắn để tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập và thu hút đầu tư ở thành phố năng động, phát triển kinh tế dẫn đầu cả nước./.

K.V