Kẹt xe tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: K.V)

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh, do sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có một lối ra vào duy nhất, cơ sở hạ tầng phục vụ cảng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch, nên đã dẫn đến thường xảy ra ùn tắc giao thông ở khu vực này. Chính vì vậy, các ngành chức năng của TP.Hồ Chí Minh đã cùng với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, triển khai xây dựng các công trình giao thông nhằm giải quyết việc kẹt xe nghiêm trọng tại khu vực ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, nhất là vào dịp ngày lễ, ngày nghỉ và những ngày cuối năm. Hai công trình sẽ hoàn thành xây dựng trong năm 2017 gồm: Cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (thuộc địa bàn quận Tân Bình), cầu vượt này được thiết kế là công trình vĩnh cửu hình chữ Y, cho xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Sơn vào nhà ga quốc tế, nhánh cầu vào nhà ga quốc nội. Công trình có tổng mức đầu tư 242 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành sau 6 tháng thi công. Tiếp đó là cây cầu vượt tại vòng xoay nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (thuộc địa bàn quận Gò Vấp và quận Phú Nhuận. Đồng thời sẽ cải tạo, mở rộng đường ra vào nút giao thông để đảm bảo cho xe thông thoát nhanh qua giao lộ. Tổng mức đầu tư công trình 504 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành sau 8 tháng thi công.

Bốn công trình nữa nằm trong dự án giải tỏa ách tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang được triển khai trong năm 2017, bao gồm công trình mở rộng đường Hoàng Minh Giám đoạn gần đường Phổ Quang (quận Phú Nhuận); công trình mở rộng đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) đoạn cạnh nút giao thông Lăng Cha Cả; công trình đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) đoạn từ đường Cộng Hòa vào sân bay và công trình mở rộng đoạn đường Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình).

Nhiều dự án cũng được đưa ra để xem xét, giải quyết việc tắc đường tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất trong những ngày qua, như Dự án đường trên cao kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất với tổng vốn 2.600 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đây là dự án được các cơ quan chức năng tính toán để bổ sung, ngoài 5 dự án đường trên cao theo quy hoạch của TP.Hồ Chí Minh. Liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH dịch vụ thương mại sản xuất và xây dựng Đông Mê Kông và Công ty cổ phần hạ tầng Đông Á đã đề xuất dự án đường trên cao kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất có tổng chiều dài 3.240m. Trong đó điểm đầu là sảnh nhà ga quốc tế T2, xây cầu cạn chạy qua trước nhà ga quốc nội T1 ra đường Thăng Long, đi dọc đường Thăng Long qua đường Phan Thúc Duyện, đi qua công viên Hoàng Văn Thụ, vượt qua nút giao và tiếp đất tại 2 nhánh trên đường Hoàng Văn Thụ và Nguyễn Văn Trỗi có chiều dài 2.100m. Đồng thời các nút giao với đường Thăng Long giúp xe đi ra khỏi sân bay tại khu nhà ga T1, T2 đi về phía tây của Thành phố ra khỏi đường trên cao tại lối ra trên đường Thăng Long kết nối với đường Cộng Hòa.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh cho biết, các đơn vị tư vấn Hàn Quốc cũng đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến metro 4 b-1 từ công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là tuyến metro dài khoảng 2 km đi ngầm trong lòng đất đến cửa sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, sẽ xây một ga ngầm tại công viên Hoàng Văn Thụ và một ga ngầm ở cửa sân bay quốc tế, kết nối bằng tuyến đường hầm đi bộ đến cửa sân bay nội địa. Theo kế hoạch, qúy 1 năm 2017 trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư tuyến metro này, sau đó sẽ triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Thủ tướng phê duyệt dự án vào quí 1 năm 2018. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 250 triệu USD, trong đó vốn vay Hàn Quốc khoảng 224 triệu USD, phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách. Dự kiến đến quý 1 năm 2019 khởi công và hoàn thành vào năm 2024.

Phối cảnh cầu vượt khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

Ngoài ra, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu lưu thông tại cửa ngõ Tây Nam TP.Hồ Chí Minh, đây cũng là khu vực có nhiều tuyến đường dẫn đến sân bay Tân Sơn Nhất, theo đó, dự án mở rộng đường Trường Chinh và đường Tân Kỳ Tân Quý, thuộc địa bàn quận Tân Bình và Tân Phú sẽ được TP.Hồ Chí Minh đầu tư trên 2.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn xây dựng là 374 tỷ đồng và vốn đền bù giải tỏa là 2.232 tỷ đồng. Khu quản lý giao thông đô thị số 1 là chủ đầu tư hai dự án mở rộng đường nói trên.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh, dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Lê Trọng Tấn dài 645m, rộng 30m cho 6 làn xe lưu thông với vốn xây dựng 96 tỷ đồng. Dự án mở rộng đường Trường Chinh, đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ dài 765m, rộng 30m cho 6 làn xe lưu thông với kinh phí xây dựng 278 tỷ đồng. Trong năm 2017, các quận Tân Bình, Tân Phú thực hiện đền bù giải tỏa xong mặt bằng và sẽ khởi công vào đầu năm 2018./.

K.V