Cơn mưa giữa tháng 5/2019 gây ngập khu vực cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.
(Ảnh: Minh Hòa/Báo Tuổi trẻ)


Theo thông tin của Sở Xây dựng Thành phố, năm 2008, trên địa bàn Thành phố tồn tại 126 điểm ngập, trong đó có 85 điểm ngập vùng trung tâm và 41 điểm ngập vùng ngoại vi. Đến cuối năm 2015, trên địa bàn Thành phố còn 40 tuyến đường ngập, trong đó có 17 tuyến đường thường xuyên ngập mỗi khi mưa và 23 tuyến đường ngập được xử lý bằng giải pháp cấp bách trước đây, cần tiếp tục đầu tư để hoàn chỉnh.

Tính tới cuối năm 2018, về điểm ngập do mưa, Thành phố đã giải quyết ngập được 22 tuyến đường trục chính, đạt 59,46% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Đối với các tuyến đường hẻm do quận - huyện quản lý, cuối năm 2018, đã giải quyết hết ngập được 151 tuyến, đạt 84,35% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020; ngoài ra, hoàn thành 1.343 tuyển đường, hẻm quận - huyện kết hợp chỉnh trang, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước các tuyến chính.

Về xóa giảm ngập do triều, Thành phố đã giải quyết được 4 tuyến, đạt 44,4%; đồng thời thành phố đang triển khai dự án giải quyết ngập do triều, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ngập của 4 tuyến nữa và dự án bờ tả sông Sài Gòn sau khi hoàn thành sẽ giải quyết 1 tuyến còn lại.

Với sự nỗ lực giảm ngập tại các tuyến đường trên địa bàn của Thành phố, tính đến thời điểm hiện nay, các tuyến đường mà trước đây được xem là ”rốn ngập” như: Khu vực Vòng xoay Cây Gõ, đường 3 tháng 2, Lê Hồng Phong, Kỳ Đồng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khắc Chân, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Phan Xích Long, Đinh Tiên Hoàng, Binh Thới, Bến xe Chợ Lớn, Nơ Trang Long, Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Hàng Xanh đến cầu Thị Nghè), Kinh Dương Vương, Lê Lai (Quận 1), Nguyễn Biểu, Nguyễn Văn Cừ, Cách Mạng Tháng 8, Lý Thường Kiệt... không còn xuất hiện ngập nước.

Tuy nhiên, những kết quả trên cũng chưa thật sự làm hài lòng người dân. Bởi, chỉ mới đầu mùa mưa năm nay, tình trạng ngập nước tại các tuyến đường Thành phố do mưa lại tiếp tục tái diễn khiến người dân bức xúc. Đây thật sự là "bài toán khó” đối với Thành phố và Thành phố vẫn đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm hạn chế tối đa các điểm ngập trên địa bàn khi bước vào mùa mưa cũng như ảnh hưởng bởi triều cường.

Ngày 30/5, đoàn đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh do Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố và BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố về tiến độ triển khai và hiệu quả các dự án chống ngập trên địa bàn Thành phố hiện nay.

Tại buổi làm việc, Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Thành phố Nguyễn Hoàng Anh Dũng báo cáo khái quát tổng thể về quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, tổng nguồn vốn dự kiến bố trí trong trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với các dự án cải tạo xây dựng hệ thống thoát nước là 11.056 tỷ đồng. Trong đó, có 19 dự án đã thi công hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả chống, giảm ngập cho các khu vực như: quận 5, 9, quận Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Hóc Môn, Củ Chi với tổng mức đầu tư các dự án 1.843 tỷ đồng. 8 dự án đang triển khai thi công, trong đó 7 dự án cơ bản hoàn thành trong năm nay, 1 dự án hoàn thành trong năm 2020 với tổng mức đầu tư 1.275 tỷ đồng.

Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Thành phố Nguyễn Hoàng Anh Dũng cũng cho biết, đối với 20 dự án vừa được HĐND Thành phố thông qua trung hạn ngày 11/5 vừa qua, dự kiến khởi công cuối năm nay hoặc đầu năm 2020.

Thành phố đang hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng. Đến nay sơ bộ xác định 103 vị trí cần đầu tư xây dựng hồ điều tiết.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho rằng: Nguồn vốn dành cho Chương trình giảm ngập nước trên địa bàn Thành phố là lớn và hiệu quả mang lại cũng có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chưa tạo được sự hài lòng của người dân.

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ đề nghị BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố phải khảo sát cụ thể, đánh giá các tuyến đường ngập nước trên địa bàn Thành phố nhằm xác định rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp để tập trung xử lý tình trạng ngập nước tại các tuyến đường. Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh các sở - ngành, quận - huyện phải chủ động phối hợp trong việc thực hiện các công trình chống ngập./.

VL