Quận 2 là quận mới được đô thị hóa, trong tương lai gần là trung tâm thương mại, tài chính mới
của TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: vietnam.vnanet.vn



Cải tạo kênh rạch và chung cư cũ

Bắt đầu từ sự đồng tình ủng hộ của người dân, dự án cải tạo những tuyến kênh vốn bị ô nhiễm nặng nề như Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã đánh dấu sự hồi sinh của dòng kênh hơn 20 năm ngập trong rác. Từ đó tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp, cải thiện cuộc sống người dân Thành phố Hồ Chí Minh.  

Tương tự, tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm nhiều năm chịu ảnh hưởng do lấn chiếm, xây nhà trái phép, xả rác bừa bãi, nay đã được cải tạo mở rộng kênh, xây kè, cống, nạo vét bùn, xây mới 10 cầu qua kênh, chỉnh trang 4 khu cảnh quan dọc tuyến. Dự án đã cải thiện ô nhiễm và giải quyết ngập cho lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, nâng cao điều kiện sống của hơn 1 triệu người dân với nhiều thế hệ sinh sống dọc hai bên bờ kênh vốn ô nhiễm trầm trọng và thường xuyên ngập lụt.

Cùng với đó, thành phố đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực để tiếp tục chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ, xây dựng chung cư mới. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã cải tạo, sửa chữa hoặc di dời, tháo dỡ để đầu tư xây dựng mới 222 chung cư; trong đó hoàn tất di dời 15 chung cư cấp D.

Đồng thời, thực hiện cuộc vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, không xả rác ra đường cũng như đẩy mạnh xử lý các trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước, góp phần chỉnh trang đô thị. Những chủ trương này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và có những chuyển biến tích cực, hoàn thành cơ bản các nội dung đề ra. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được nâng cấp, cải thiện đáng kể; các hạng mục hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, qua đó cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố.

Thành phố cũng đã thực hiện di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, thực hiện dự án Đại lộ Đông Tây; tạo mặt bằng cho các dự án lớn, hiện đại dọc tuyến Võ Văn Kiệt hoặc các tuyến kênh lớn như Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi-Tẻ; hình thành các khu công nghiệp và dân cư mới ngoại thành.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, một số công trình mang dấu ấn đậm nét của thành phố đã được ra đời, trở thành hình mẫu khu đô thị hiện đại, văn minh, vừa đáp ứng nhu cầu sinh sống, làm việc của người dân vừa tạo dựng môi trường đầu tư và điểm đến hấp dẫn cho cộng đồng quốc tế, như: Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (Quận 7), Khu đô thị Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Khu đô thị Nam thành phố, Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi), khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị sinh thái lấn biển Cần Giờ và các khu đô thị nằm ở phía Đông Thành phố … đã tạo ra các mảng đô thị mới có quy hoạch đạt tiêu chuẩn mới, có tính chất hiện đại, phù hợp với nhu cầu hội nhập kinh tế cũng tạo sự hấp dẫn đầu tư. Trong tương lai sắp tới là thành phố Thủ Đức đang trong quá trình hình thành với quy mô hơn 21.000 km2 sẽ trở thành những đô thị hiện đại, động lực phát triển mới của Thành phố Hồ Chí Minh.

Hướng tới đô thị thông minh

Chính phủ đã đồng ý thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sắp xếp Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức. Đây là tiền đề để xây dựng Thủ Đức thành thành phố công nghiệp, nghiên cứu khoa học, dịch vụ. Khu vực này chiếm khoảng 10% diện tích, 10% dân số thành phố nhưng có thể đóng góp 1/3 kinh tế cho thành phố, tức bằng khoảng 7% GDP của cả nước.

Thành phố cũng đang xây dựng kế hoạch lập các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc dọc các tuyến đường quan trọng, các khu vực ven sông, kênh, rạch với 17 khu vực như khu vực xung quanh các nhà ga tuyến metro số 2, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Vành đai 2, Vành đai 3, khu vực đường Hàm Nghi, Đồng Khởi, Lê Lợi (Quận 1), Làng Đại học, phường Bình Thọ (Quận Thủ Đức)…

Đối với khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, Thành phố định hướng đây sẽ là khu vực phát triển dựa trên nền tảng kinh tế tri thức và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển và tăng cường gắn kết với các khu vực chức năng hiện hữu xây dựng thêm một số trung tâm đổi mới sáng tạo, gồm các cụm doanh nghiệp nhỏ, tầm trung và lớn, sử dụng hạ tầng dùng chung.

Đối với việc quy hoạch phát triển đô thị tại các khu đô thị mới, Thành phố đang lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch 1/5000, tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc, triển khai các nội dung quy hoạch của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị cảng Hiệp Phước, phê duyệt pháp lý về quy hoạch Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa làm cơ sở mời gọi đầu tư phát triển.

Giai đoạn 2021 - 2030 Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng tới việc khôi phục vị thế “Hòn ngọc viễn Đông” với mục tiêu trở thành siêu đô thị văn hoá, trung tâm công nghiệp dịch vụ tiên tiến của khu vực Đông Nam Á và Đông Á, có chức năng hiện đại, thiết kế đô thị phát huy truyền thống lịch sử văn hoá trên cơ sở vận dụng điều kiện tự nhiên đặc thù của thành phố.

Đối với công tác quy hoạch và phát triển quy hoạch đô thị bền vững, Thành phố được định hướng chuyển đổi không gian đô thị theo hướng khôi phục cảnh quan sông, vốn dĩ là đặc trưng mang  tính “sông nước Nam bộ”.

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo khu vực và đầu tư dứt điểm, khai thác tối đa giá trị tại các khu chức năng đô thị. Kiểm soát mở rộng các vùng trũng trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm tăng nhanh tình trạng ngập lụt và sụt lún đồng thời phát triển các trung tâm mới trong chùm đô thị gắn với nền tảng TOD (giao thông công cộng) để giảm tải cho vùng trung tâm, phát triển đô thị, đảm bảo giao thông bền vững.

Bên cạnh đó, hiện nay thành phố đang thực hiện việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thành phố đến năm 2045 tầm nhìn năm 2060. Theo đó, thành phố đang tổ chức rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch để xem xét, điều chỉnh cục bộ phân khu, quy hoạch chi tiết; lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị theo hướng tái cấu trúc đô thị tại các khu vực xung quanh nhà ga, tuyến đường sắt đô thị, dọc các tuyến kênh…/.

 

 

 

Vân Khánh (tổng hợp)