Đồng chí Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Tọa đàm
Cần chính sách “thời chiến”
Chủ trì tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: Giữa làn sóng dịch bệnh, lần đầu tiên kinh tế TP tăng trưởng dưới 1,2% và lần đầu tiên có trên 27.000 DN giải thể, tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỉ đồng. Lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch với hơn 1.300 DN lữ hành bị sụt giảm cả số lượng hành khách lẫn doanh thu, nhiều DN phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác.
Tuy nhiên, đến nay, hơn 6.000 DN hoạt động trở lại, 30.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 696.000 tỉ đồng… đã chứng minh sức sống mãnh liệt của DN TP. Do vậy, theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, để phục hồi kinh tế TP, trước mắt phải phục hồi hoạt động của DN bởi chính DN là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra việc làm và cũng là bộ phận góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Chủ tịch UBND TP gợi mở nhiều vấn đề để thảo luận như: các chính sách để TP ban hành hoặc kiến nghị Trung ương ban hành nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ DN trong điều kiện bình thường mới; giải pháp phát triển kinh tế để không bị đứt gãy, bảo đảm việc làm cho người lao động nhằm đạt sự tăng trưởng cần thiết; giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ trong khâu vận hành các quyết sách của TP “trên nóng dưới lạnh, trên quyết liệt dưới thờ ơ”…
76% doanh nghiệp chưa tiếp cận được chính sách Nhà nước hỗ trợ
Đại diện cộng đồng DN, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA), cho biết trong cuộc khảo sát trên 100 DN vừa qua, HUBA ghi nhận 84% DN được hỏi cho biết đang trong tình trạng khó khăn. Đáng lưu ý, có đến 76% DN phản ánh họ chưa tiếp cận được các chính sách nhà nước hỗ trợ và hầu như không có DN nào tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. “Nhiều DN cho rằng việc triển khai hỗ trợ trong bối cảnh phải giãn cách xã hội như vừa qua chưa mang đúng tính chất “chính sách thời chiến”; chưa thấu hiểu, chưa sát với thực tế nhu cầu và hoàn cảnh của DN. Các gói hỗ trợ vẫn được triển khai với thủ tục và tinh thần trong điều kiện bình thường nên rất chậm, không phát huy được tác dụng” - ông Dũng thẳng thắn.
Chủ tịch HUBA kiến nghị chính sách gia hạn thuế, tiền thuê đất được kéo dài hơn nữa, đồng thời Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế, DN. Đặc biệt, nới rộng điều kiện của hình thức cho vay tín chấp thông qua thẩm định các phương án kinh doanh và dòng tiền khả thi thay vì cho vay thế chấp bởi không phải DN nào cũng có tài sản thế chấp…
Ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hiệp hội DN quận 1, đánh giá nội lực của DN TP rất lớn. Nếu như tháo gỡ được ách tắc lớn nhất là thủ tục hành chính thì dòng vốn chảy vào thị trường sẽ rất lớn. “Những ách tắc này thuộc thẩm quyền giải quyết của TP chứ không đâu xa. Có thể chọn ra 30 DN làm thí điểm thực hiện tháo gỡ thủ tục hành chính, sau đó triển khai ra cộng đồng DN TP” - ông Trí góp ý.
TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright cho rằng: TP nếu giữ được tăng trưởng dương đã là thành công, không nên coi là mục tiêu chính bởi đây là vấn đề ngắn hạn. TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng: Về dài hạn, chính quyền TP phải cùng đồng hành với DN, người dân; giữ cho được lực lượng DN để tạo nội lực, nền tảng phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế; bảo vệ phúc lợi của DN và người dân. Đồng thời, có các chính sách nhắm đúng mục tiêu, đối tượng.
“Cộng đồng DN mong muốn TP đề xuất Trung ương kéo dài thời giảm thuế GTGT có thời hạn và gia hạn các loại thuế khác đã có chính sách; Nhà nước có quỹ bảo lãnh tín dụng…” TS Vũ Thành Tự Anh nêu ý kiến.
Dưới góc độ chuyên gia, TS Trần Du Lịch đề xuất TP tháo gỡ đầu tư tư nhân để hấp thụ vốn, xây dựng chương trình phục hồi gắn với tái cơ cấu áp dụng trong năm 2021-2022 để giúp DN tái cơ cấu thị trường, chuyển đổi số. Từ đó, DN có thể phục hồi tăng trưởng không phải trên nền cũ mà trên cơ sở mới tốt hơn.
Sẽ xây dựng bộ phận nghiên cứu về việc tiếp cận gói hỗ trợ DN
Toàn cảnh tọa đàm
Ghi nhận các kiến nghị tại tọa đàm, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP sẽ xây dựng bộ phận nghiên cứu về việc tiếp cận gói hỗ trợ như thế nào để có báo cáo với Chính phủ. Bởi vì, TP là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, số lượng DN chiếm gần 50% DN cả nước nên các ý kiến từ thực tế sẽ có ý nghĩa quan trọng.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu Sở Kế hoạch& Đầu tư bổ sung 2 lĩnh vực chuyển đổi số và logistics vào chương trình kích cầu của TP. TP cũng vừa triển khai chương trình chuyển đổi số và đây là chương trình đầu tiên của một địa phương trong cả nước.
“TP đã triển khai được 4 phần cơ bản, bao gồm Kho dữ liệu dùng chung, Trung tâm điều hành chỉ huy, Trung tâm dự báo mô phỏng phát triển kinh tế xã hội và chuẩn bị ra mắt Trung tâm vận hành về an toàn an ninh thông tin. TP đang khẩn trương triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh song hành cùng với chương trình chuyển đổi số, góp phần giữ vững thành quả trong công tác phòng chống dịch, cũng như góp phần hạn chế tối đa tác động của suy thoái kinh tế và tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế TP” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Bên cạnh đó, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong việc cải cách thủ tục hành chính được xem là một bộ phận trong tổng thể thể chế, vì vậy việc khơi dòng thể chế tốt sẽ tạo ra nguồn lực phát triển. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thông tin, TP cũng đã giao HUBA xây dựng phần mềm lắng nghe ý kiến về sự phục vụ của các ngành đối với DN để phục vụ cho công tác điều hành của Thường trực UBND TP.
Ngoài ra, TP cũng chú trọng xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút nguồn vốn nước ngoài; hỗ trợ DN trong xây dựng thương hiệu…