Dự hội thảo có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải; cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Thành ủy và lãnh đạo các địa phương, đơn vị…


Các đại biểu tham dự Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Cách đây 75 năm, ngày 23/9/1945, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã kịp thời phát động quân và dân Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nam Bộ trở thành tiền tuyến của cả nước, đã thể hiện khí phách anh hùng, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, tạo điều kiện cho Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến, là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, đặc biệt là của “Nam Bộ thành đồng Tổ quốc”. Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí bảo vệ nền độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời, giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc, toàn diện, đầy đủ hơn về tầm vóc, giá trị lịch sử và hiện thực của 15 tháng kháng chiến ở Nam Bộ, qua đó, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử quý để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.


Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc


Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết: Sự kiện Nam Bộ kháng chiến ngày 23 tháng 9 năm 1945 mở đầu công cuộc chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Ngay từ giờ phút đầu tiên quân Pháp tiến công Sài Gòn - Chợ Lớn, bằng mọi thứ vũ khí trong tay, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, gây khó khăn, tổn thất cho đội quân xâm lược được trang bị hiện đại. Cuộc chiến đấu trong điều kiện không cân sức của quân dân ta ở mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn và các địa phương khác của Nam Bộ thực sự tiêu biểu cho tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí, quyết tâm “giữ vững nền độc lập” của dân tộc Việt Nam.

Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, 75 năm đã trôi qua, trang sử “Nam Bộ kháng chiến” đã hòa chung với chiến công hiển hách của quân và dân ta, đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước vào mùa Xuân lịch sử 1975.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu tập trung  phân tích làm rõ bối cảnh lịch sử, tình hình trong nước và quốc tế liên quan, đặc biệt là âm mưu và hành động của thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam và Đông Dương, khởi đầu từ Sài Gòn - Chợ Lớn và các địa phương Nam Bộ. Từ đó làm rõ và khẳng định đường lối, chủ trương lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự nhạy bén, chủ động, kiên quyết của Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến; Tái hiện cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân dân Nam Bộ mà tiêu biểu là trên mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn; Phân tích, luận giải tinh thần dân tộc, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân được biểu hiện trong quá trình Nam Bộ kháng chiến…


Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam trình bày đề dẫn

Tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết đoán của Xứ ủy Nam Bộ

Các tham luận khẳng định, trước họa xâm lăng của thực dân Pháp, thực hiện lời thề “Độc lập hay là chết”, Xứ ủy Nam Bộ đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nhanh chóng phát động và lãnh đạo nhân dân Nam Bộ đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành lại, mở ra một trang sử oanh liệt: Nam Bộ kháng chiến. 

Ngay sau khi quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ tổ chức hội nghị tại đường Cây Mai bàn chủ trương đối phó với quân xâm lược. Trong điều kiện không thể liên lạc và xin ý kiến trực tiếp của Trung ương Đảng, đứng trước tình hình rất khẩn trương, Xứ ủy Nam Bộ và đại diện của Trung ương Đảng đã thảo luận sâu sắc, kỹ lưỡng và đi đến thống nhất chủ trương: phát động quân và dân Nam Bộ đứng lên chống quân xâm lược Pháp, đồng thời, báo cáo xin chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; quyết nghị thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ; lập tức phát động nhân dân quyết tâm kháng chiến, sử dụng bạo lực cách mạng chống quân xâm lược. Đây là quyết định thể hiện tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Xứ ủy Nam Bộ trước Đảng, trước vận mệnh của dân tộc. Quyết tâm đó chứng tỏ Xứ ủy Nam Bộ vững tin vào tinh thần và khả năng cách mạng của nhân dân Nam Bộ trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.


Nhân chứng lịch sử chia sẻ tại Hội thảo

Chủ trương và quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy Nam Bộ đã nhận được sự đồng tình của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị khẩn cấp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng tối 23 tháng 9 năm 1945 đã nhất trí với đề xuất của Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh chóng chỉ đạo tổ chức lực lượng chi viện miền Nam, kêu gọi nhân dân cả nước hướng về miền Nam, lệnh cho các đội quân “Nam tiến” khẩn trương lên đường vào Nam chiến đấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư đến đồng bào Nam Bộ, khẳng định Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Tiếp đó, Nam Bộ lại được Huấn lệnh của Chính phủ Trung ương, kêu gọi đồng bào Nam Bộ đoàn kết chặt chẽ muôn người như một, dũng cảm đưa cuộc giải phóng đến thắng lợi cuối cùng. Ngày 25 tháng 11 năm 1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về kháng chiến kiến quốc, trong đó xác định những nhiệm vụ chủ yếu của Nam Bộ, đặc biệt là vận dụng chiến thuật trong chiến đấu. Thực hiện chỉ thị này, ở nhiều nơi khi thực dân Pháp tiến đánh, nhân dân đã triệt để thực hiện “vườn không nhà trống”, tích cực tiến hành công tác phá hoại, ngăn chặn bước tiến của quân địch và đã giành được những thắng lợi nhất định.

Trước tình hình tổ chức đảng và lực lượng vũ trang ở Nam Bộ chưa thống nhất, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời có sự chỉ đạo sát đúng, đồng thời cử những cán bộ tài năng, có uy tín cao vào Nam để tăng cường và thống nhất lực lượng, lãnh đạo kháng chiến. Điều đó chứng tỏ tầm nhìn sâu rộng, kịp thời đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng trong củng cố, tăng cường sức mạnh của chiến trường Nam Bộ.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo

Các tham luận đều thống nhất khẳng định: Kịp thời phát động kháng chiến là quyết định táo bạo, kiên quyết và kịp thời, thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo của Xứ ủy Nam Bộ. Căn cứ diễn biến cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, Trung ương Đảng luôn có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời củng cố tổ chức đảng, xây dựng lượng vũ trang, phát động quần chúng đứng lên kháng chiến. Tất cả sự lãnh đạo, chỉ đạo đó làm cho cuộc đấu tranh của đồng bào Nam Bộ từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946 đạt nhiều kết quả, trực tiếp góp phần làm chậm bước tiến của địch, để Đảng, Chính phủ, quân và dân cả nước có sự chuẩn bị chu đáo hơn, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Ông Võ Anh Tuấn, một trong những nhân chứng lịch sử chia sẻ: Đã 75 năm trôi qua, nhưng ký ức của một trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn còn nguyên vẹn trọng ông. Ông Tuấn cho biết: Là người chứng kiến những gian lao mà anh dũng nhất của dân tộc ta, bắt đầu từ những ngày Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn và Nam Bộ kháng chiến, với ông một trong những điều kỳ diệu của các sự kiện lịch sử đó là việc thành lập Thanh niên Tiền phong ngày 01/6/1945. Đây là sự sáng tạo vĩ đại của phong trào Nhân dân yêu nước ở Nam Kỳ, nhờ đó mà Đảng Cộng sản trong một thời gian tương đối ngắn đã có thể trở thành một đoàn thể có tổ chức và lực lượng lớn nhất ở Sài Gòn và toàn Nam Kỳ.

Phát huy hào khí Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”, chung sức xây dựng TP Hồ Chí Minh 


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định: Tiếp nối truyền thống yêu nước, phát huy hào khí Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”, TP Hồ Chí Minh hôm nay là sự tiếp nối xứng đáng với những gì mà thế hệ cha anh đã làm được. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn thử thách, gian khổ, hy sinh, cùng cả nước làm nên những thắng lợi to lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển, TP Hồ Chí Minh đã “đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước”.

Từ cuộc Hội thảo khoa học này, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp thu được nhiều nội dung sâu sắc, nâng cao nhận thức về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh; khát vọng độc lập, tự do của miền Nam “đi trước, về sau”; sự ủng hộ của cả nước luôn hướng về miền Nam ruột thịt.

“Đảng bộ và Nhân dân TP Hồ Chí Minh nguyện tiếp tục phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát huy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng TP Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng”. Đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh./.

 

 

 

 

 

 

Hoàng Mẫn