|
|
Hội thảo mùa hè 2022. (Ảnh: AN) |
Đại học công lập cần mở rộng và kết nối để trở nên khác biệt hơn
Đề cập đến vai trò của đại học công lập, GS Lauren Robel đến từ Đại học Indiana (Mỹ) cho rằng: Các trường đại học công lập đóng vai trò tối quan trọng trọng phúc lợi chung của một quốc gia. Sứ mệnh của trường đại học công lập là tạo ra và nuôi dưỡng cơ sở trí thức hỗ trợ nguyện vọng của một quốc gia và mơ ước của công dân quốc gia đó. Trong thời đại kết nối toàn cầu, cần có hệ thống các trường đại học công lập năng động để phát triển nguồn nhân lực, năng lực tư duy phản biện và kiến thức tiên tiến. Nhờ đó một quốc gia có thể nâng cao sức khỏe và hạnh phúc của công dân và thành công hội nhập kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu của xã hội hiện đại đã đặt ra áp lực cho những quan niệm gốc về trường đại học. Các quốc gia hiện đại đòi hỏi một lượng lớn lao động tri thức và đã ưu tiên việc giáo dục đại học được tiếp cận rộng rãi để tạo ra lượng lao động này; nền kinh tế toàn cầu hóa và tốc độ tiến bộ khoa học công nghệ ngăn cản các trước đại học tách biệt khỏi thế giới chung; cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã làm giảm hoặc xóa bỏ khoảng cách giữa các nhà nghiên cứu đại học ở các châu lục khác nhau...
“Trước những đòi hỏi đó, các trường đại học cần phải kết nối nhiều hơn và trở nên khác biệt hơn. Các trường đại học đòi hỏi phải hợp tác quốc tế; mở rộng mạng lưới học thuật quốc thế; xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin toàn diện. Ngoài ta còn cần kết nối với doanh nghiệp tư nhân, để giải quyết vấn đề tài chính đại học’. GS Lauren Robel cho hay.
Đồng quan điểm về vấn đề này, PGS, TS Ngô Thị Phương Lan – ĐHQG-HCM đã phân tích về vai trò của giáo dục đại học công lập trong các lĩnh vực: Đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, trí tuệ cao phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế; nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để chuyển giao khoa học kỹ thuật, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật.
PGS, TS Ngô Thị Phương Lan đã chỉ rõ vai trò của các trường đại học công lập trong thức đẩy công bằng, bình đẳng trong giáo dục để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời chỉ ra những thách thức các trường đại học công lập hiện nay đang đối mặt.
Từ đó, bà Lan cho rằng: Với mục tiêu của giáo dục đại học là phát triển, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước (Luật Giáo dục, 2019) đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học công lập phải phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo của mình trong việc thực hiện các mục tiêu của nhà nước, đào tạo tìm kiếm nhân tài cho xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Hiện nay, các trường đại học công lập đang hướng đến thực hiện tự chủ đại học, tỷ lệ dân trí tiếp cận với giáo dục đại học luôn có mối quan hệ với tốc độ phát triển kinh tế- xã hội và giáo dục dại học công lập đang nắm giữ vai trò nòng cốt trong việc đạo tạo đại đa số người học. Từ mô hình tự chủ của ĐHQG-HCM bà Lan cho rằng, để đạt hiệu quả, cần phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; đảm bảo năng lực thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, phát triển vùng của đất nước; Đảm bảo ĐHQG-HCM là trung tâm đào tạo, nghiên cứu KHCN đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển; đảm bảo tính hệ thống, tính tiên phong của ĐHQG-HCM; đa dạng nguồn ngân sách không giới hạn chỉ từ ngân sách trung ương; đảm bảo tính tự chủ cao nhất, trách nhiệm giải trình.
|
|
Các nhà khoa học chia sẻ, thảo luận các vấn đề tại hội thảo (Ảnh: AN) |
Tự chủ đại học là tất yếu
Từ việc nghiên cứu các mô hình tự chủ đại học gắn với tự chủ tài chính trên thế giới, từ những nước đã có mô hình tự chủ được phát triển hằng đầu, GS, TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã có bài viết chia sẻ mô hình và định hướng tự chủ đại học của ĐHQGHN. Trong đó, bám sát Đề án đổi mới toàn diện giáo dục đại học giai đoạn 2020-2045, vừa hiện thực hóa chiến lược phát triển đến năm 2035 của ĐHQGHN.
Cụ thể, theo GS,TS Lê Quân, mô hình tự chủ đại học sẽ được gắn 3 trụ cột: Đổi mới quản trị đại học theo chuẩn mực quốc tế; Đổi mới quản trị tài chính, trong đó tập trung vào thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước; Mô hình kết nối doanh nghiệp- đạo học thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
GS,TS Lê Quân nhấn mạnh: trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo ở Việt Nam hiện nay, việc thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo là tất yếu, khách quan. Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cơ sở giáo dục là một trong những điểm đổi mới của quản lý giáo dục Việt Nam. Đây là nhân tố cơ bản thúc đẩy cơ sở giáo dục có thể tạo ra những điều kiện tốt hơn cho dạy và học, là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản lý cơ sở giáo dục tiên tiến, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Chất lượng quản lý càng tốt thì chất lượng đầu ra càng cao. Và đây cũng là cơ sở pháp lý để các bên liên quan cùng rà soát, điều chỉnh và thiết lập chính sách quản lý phù hợp với bối cảnh phát triển chung.
Dẫn chứng về những mô hình tự chủ đại học gắn liền với các hình thức, mô hình hợp tác công tư PPP (Public Private Partnership), GS, TS Lê Quân cho rằng, việc này nhằm đa dạng hóa các nguồn lực tài chính, đặc biệt thu hút nguồn lực xã hội hóa, tăng nguồn thu để phát triển các trường đại học, gắn kết doanh nghiệp với đại học, tạo ra trụ cột vững chắc của mô hình Đại học đổi mới sáng tạo như: Mô hình vườn ươm trong trường đại học, cụ thể như ở Đại học Ngoại thương Hà Nội; Đại học Bách khoa- ĐHQG-HCM; Đại học Cần Thơ; mô hình doanh nghiệp trong trường đại học - BK Holdings (ĐH Bách Khoa Hà Nội)…
Theo GS, TS Lê Quân, để thúc đẩy mô hình PPP trong giáo dục đại học đòi hỏi các trường đại học phải thiết lập bộ phận chuyên trách liên kết, hợp tác với doanh nghiệp. Có chiến lược liên kết với doanh nghiệp qua việc ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo và chuyển giao công nghệ, hoặc trở thành cổ đông của những doanh nghiệp. Thí điểm phát triển các mô hình doanh nghiệp trong trường đại học như: Vườn ươm, doanh nghiệp spinoff, start-up…
Về phía doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ hơn về lợi ích cũng như xu thế tất yếu của mối liên kết nhà trường- doanh nghiệp; hạn chế, khắc phục tình trạng đào tạo lại sau khi tuyển dụng; có chiến lượng “ươm mầm”, “nuôi dưỡng” tài năng tại các trường đại học qua hình thức cấp học bổng, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính…
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước thí điểm các mô hình PPP trong lĩnh vực giáo dục, phân cấp, phân quyền cho các đại học, cơ sở giáo dục trong việc thẩm định, phê duyệt dự án; xây dựng cơ chế hài hòa lợi ích của đại học và tư nhân; chủ động, thiết lập nhiều kênh kết nối trường đại học với doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế tự chủ của các trường đại học…
Nói về tầm quan trọng của tài chính và tự chủ đại học trong vận hành trường đại học, GS M.A Venkataramanan đến từ Đại học Indiana (Mỹ) cho rằng: Hệ thống tài chính yếu tố hỗ trợ năng suất và sự hài lòng của giảng viên, sinh viên và nhân viên: Đãi ngộ; Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, dịch vụ, và cơ sở hạ tầng; Thành công của sinh viên (hỗ trợ tài chính, hướng dẫn, dịch vụ phụ trợ, nhiều cơ hội từ phát triển nghề nghiệp đến y tế và những điều tốt đẹp).
GS M.A Venkataramanan cho rằng: Yếu tố quan trọng trong các mô hình ngân sách là mức độ tự chủ được cấp cho các cấp quản lý trường đại học là khác nhau, bắt đầu từ hiệu trưởng cho đến trưởng khoa của các đơn vị học thuật. Văn hóa và hiệu quả hoạt động của các thể chế và mô hình ngân sách mà họ áp dụng chi phối lẫn nhau, nhưng ưu và nhược điểm của mô hình lập ngân sách, cùng với sự phù hợp của chúng với mức độ phát triển là khác nhau của tổ chức.
“Các trường đại học lâu bền đã trở thành những tổ chức kinh doanh quan trọng đối với sự thịnh vượng và thành công về kinh tế của các quốc gia và xã hội; do đó, sự hỗ trợ của chính phủ đóng vai trò cần thiết để đảm bảo rằng giáo dục đại học dễ tiếp cận và dễ chi trả hơn”. GS M.A Venkataramanan nhấn mạnh../..