Tôi gặp cựu chiến binh Nguyễn Lực Tăng vào những ngày cuối tháng 4 năm 2021, ở ông toát lên sự mạnh mẽ, dứt khoát đúng “chất”của người lính bộ đội cụ Hồ. Vừa trò chuyện với tôi, ông vừa xử lý các cuộc gọi điều chỉnh và phân phối xe vận tải để kịp tiến độ vận chuyển hàng theo yêu cầu của khách. Công việc nhiều là thế nhưng nếu trong Hội Cựu chiến binh hay trong Ban liên lạc truyền thống Phòng Quân báo Miền - Trinh sát kỹ thuật Miền hễ ai có việc cần giải quyết gấp ông vẫn sẵn sàng lái xe hàng trăm cây số đến chia sẻ, động viên.
Nhắc về những ngày tháng 4 lịch sử, ông Nguyễn Lực Tăng vẫn không khỏi bồi hồi, trong câu chuyện của mình, thi thoảng ông lén phưquay mặt dùng vạt áo lau những giọt nước mắt xúc động.
Cựu chiến binh Nguyễn Lực Tăng (áo xanh) luôn tự hào vì đã được đóng góp công sức của mình vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước
Cựu chiến binh Nguyễn Lực Tăng sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bình Dương, trong một gia đình có 12 anh chị em. Bố ông là đảng viên tham gia vào cách mạng từ những năm 1945, sau Tổng khởi nghĩa thành công bố ông trở thành Chủ tịch Mặt Liên Việt của huyện Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương. Bản thân mẹ ông trong thời kỳ kháng chiến cũng đã tích cực vừa buôn bán, vừa thực hiện công việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, ông Tăng và 3 người anh của mình đều tham gia vào các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
“Có lẽ dòng máu cách mạng đã chảy sẵn trong anh em chúng tôi. Hơn thế tôi lớn lên đúng vào thời điểm đất nước có chiến tranh, như bao người Việt Nam khác, không ai có thể ngồi yên khi thấy đồng bào mình bị áp bức”. Ông Tăng bộc bạch.
15 tuổi dù không nhận được sự đồng ý của bố nhưng ông Tăng vẫn tìm mọi cách trốn để đăng ký nhập ngũ. Cuối năm 1963 đầu năm 1964 ông Tăng nhập ngũ và tham gia học khóa đào tạo Báo vụ viên. Sau đó ông và một số đồng đội được điều về đơn vị Trinh sát kỹ thuật. Ngoài nhiệm vụ tăng gia sản xuất, lo hậu cần thì ông và đồng đội chủ yếu thực hiện việc nắm bắt các thông tin liên lạc của địch cho bộ chỉ huy Miền.
Năm 1973 sau khi ký hiệp định Pari đơn vị về đóng quân tại Lục Ninh, ông Tăng được cử đi học ở Trường Sỹ quan Lục quân 2. Sau khi học xong khóa học tại Trường, ông được lựa chọn học tiếp khóa Huấn luyện chính trị. Sau năm 1975 khi đất nước giải phóng, ông quyết định rời quân ngũ, trở về và tham gia công tác tại Cục đường biển phía Nam. Năm 1991 khi đó có Nghị định 176 tinh giản biên chế, ông quyết định xin nghỉ.
“Nhận 2.650 ngàn trở về, khi đó tôi chỉ có 2 bàn tay trắng, nhìn vợ và 2 đứa con nhỏ, tôi nghĩ phải làm gì đó để lo cho gia đình. Sau khi tìm hiểu tôi quyết định vay mượn thêm họ hàng, bạn bè để đầu tư mua một chiếc xe tải để làm công viêc vận chuyển hàng hóa. Một thời gian sau khi công việc làm ăn tốt hơn tôi tham gia và trở thành thành viên của Hợp tác xã Vận tải số 2 Gò Vấp (thuộc UBND quận Gò Vấp) và năm 1996 tôi tham gia vào Ban Chủ nhiệm và gắn bó với hợp tác xã cho đến tận bây giờ”. Cựu chiến binh Nguyễn Lực Tăng kể.
Những chuyến tham quan, về nguồn là một trong những cách mà Chi hội CCB phường Nguyễn Cư Trinh thực hiện để giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Gần 30 năm gắn bó với nghề kinh doanh vận tải ông Tăng bảo “có lẽ không có nghề nào vất vả như nghề này, nhưng càng vất vả càng thử thách, rèn luyện bản lĩnh con người. Nghề nào cũng có những cám dỗ, nghề này cũng vậy, nhưng tôi luôn cho rằng làm gì cũng phải thực tâm, phải thực lực và đặt khách hàng lên trên lợi nhuận thì chắc chắn nghề không phụ người. Tuy không giàu nhưng nghề đã giúp tôi kết nối hỗ trợ được nhiều đồng đội của mình.” Ông Tăng bộc bạch.
Không chỉ năng động trong làm kinh tế, cựu chiến binh Nguyễn Lực Tăng khi rời quân ngũ đã nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Chi bộ khu phố Nguyễn Cư Trinh, quận 1 TP Hồ Chí Minh từ năm 1992 cho đến nay. Ông cùng với các đảng viên trong chi bộ luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân trên địa bàn. Các đảng viên trong chi bộ luôn gương mẫu tham gia các hoạt động, phong trào của phường, của quận, hỗ trợ thế hệ trẻ trong việc bồi dưỡng, rèn luyện để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp.
Bên cạnh đó là thành viên của Ban liên lạc truyền thống Phòng Quân báo Miền - Trinh sát kỹ thuật Miền ông cùng với Ban liên lạc đã giúp đỡ nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống; vận động các mạnh thường quân và các thành viên của Ban Liên lạc đóng góp và xây dựng hằng cục căn nhà tình nghĩa, nhiều suất quà dành cho các thành viên vào các ngày kỷ niệm, lễ Tết…
"Khi việc tới tôi không thấy mệt, khi tôi giúp được đồng đội mình thì tôi không mệt, thậm chí tôi thấy mình khỏe hơn, vui hơn. Trong cuộc sống dường như đó là duyên". Cựu chiến binh Nguyễn Lực Tăng chia sẻ.
“Khi việc tới tôi không thấy mệt, khi tôi giúp được đồng đội mình thì tôi không mệt, thậm chí tôi thấy mình khỏe hơn, vui hơn. Trong cuộc sống dường như đó là duyên. Chẳng hạn như đầu năm 2020 tôi tham gia cùng CLB Nhịp sống yêu thương của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đi thăm các chiến sỹ ở Đồn biên phòng Đắc Nô, ở tỉnh Bình Phước. Đây là một đồn biên phòng mới thành lập, nhìn những người lính biên phòng cực quá, còn thiếu thốn quá, tôi đã vận động bạn bè quyên góp ủng hộ cho bộ đội tuyến đầu từ tiền, vật dụng thiết yếu cho anh em”. Ông Tăng kể.
Sau đó ông tổ chức cho Ban Liên lạc truyền thống Phòng quân báo Miền đến thăm và trở thành đơn vị kết nghĩa. Không chỉ vậy, khi thấy người dân khu vực biên giới còn khó khăn, ông Tăng đã đề xuất với Đảng bộ phường Nguyễn Cư Trinh vận động các Bí thư Chi bộ và các mạnh thường quân tặng quà cho bà con nhân dân. Những món quà này tuy không lớn về vật chất nhưng đó là tấm lòng của những đảng viên, cựu chiến binh và người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, thể hiện tinh thần tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam. Cựu chiến binh Nguyễn Lực Tăng chia sẻ.
Cựu chiến binh Nguyễn Lực Tăng và các đồng đội đã đến thăm và tặng nhiều vật dụng thiết yếu cho Đồn biên phòng Đắc Nô, tỉnh Bình Phước
Nhìn sự phát triển của TP Hồ Chí Minh nói riêng, sự phát triển vững mạnh của Việt Nam nói chung, cựu chiến binh Nguyễn Lực Tăng cảm thấy tự hào, vì trong thời chiến hay thời bình ông đã luôn nỗ lực để góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Với Đảng tôi luôn có một niềm tin mãnh liệt, còn sống ngày nào tôi vẫn đi theo Đảng. Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội, vì trong mưa bom, bão đạn mà còn sống lành lặn và trở về, vì vậy tôi sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn, kết nối nhiều hơn để cùng chia sẻ, giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.”
Với những đóng góp của mình, cựu chiến binh Nguyễn Lực Tăng đã nhận được nhiều giấy khen của các cấp, các ngành./.