Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh có 25 Hội LHPN cấp huyện, 426 cơ sở Hội với 1.575.544 hội viên và 04 Trung tâm, đơn vị trực thuộc. Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố với chức năng, nhiệm vụ là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, chỉ tiêu hàng năm, Hội LHPN Thành phố chủ trì giám sát ít nhất 01 chính sách và phản biện xã hội ít nhất 01 dự thảo văn bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức Hội; mỗi Hội LHPN cấp huyện, cấp xã giám sát ít nhất 01 chính sách và góp ý ít nhất 01 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền.

Hội PN TP đã nắm bắt những vấn đề xã hội, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ.

Trong thời gian qua công tác giám sát, phản biện xã hội đã được các cấp Hội tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thực hiện tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, nâng cao vai trò, vị thế của Hội. Thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã nắm bắt được những vấn đề xã hội, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ, những vấn đề mà nhân dân quan tâm, từ đó đề xuất đối với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện.

Để việc tổ chức triển khai công tác giám sát được tốt, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo, định hướng, tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên đề, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn Hội LHPN các cấp thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội hàng năm, trong đó nhấn mạnh quy trình, phương pháp và lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội, để hướng dẫn các cấp Hội chủ động xây dựng kế hoạch lựa chọn những vấn đề nổi cộm tại địa phương mà hội viên phụ nữ trên địa bàn quan tâm để định hướng cho Hội cơ sở cùng tổ chức giám sát, phản biện .

Điểm nổi bật từ năm 2023 trở đi, trước khi giám sát, Hội xây dựng phiếu khảo sát và gửi về Hội LHPN các đơn vị có UBND được giám sát để khảo sát rộng rãi tình hình thực tế cũng như những đánh giá của cán bộ, hội viên và người dân về nội dung sẽ giám sát, đồng thời kết hợp đi thực tế, xem xét các vấn đề có liên quan nội dung giám sát (ví dụ: đi chụp hình những điểm còn tồn đọng rác, những điểm mất mỹ quan đô thị cần được cải tạo...). Các cấp Hội đã ứng dụng công nghệ thông tin thiết kế phiếu khảo sát trên ứng dụng và chuyển qua điện thoại để người dân thuận tiện cho ý kiến thuận lợi hơn trong khâu tổng hợp các ý kiến góp ý...  đồng thời có hình ảnh phản ánh hiện trạng thực tế liên quan đến nội dung giám sát trước khi đi làm việc với các đơn vị được giám sát. Cách làm này đã phát huy được việc lắng nghe ý kiến người dân, thêm thông tin, chất liệu thực tế cho các cuộc giám sát.

Trong 5 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tổ chức giám sát độc lập 11 nội dung ; góp ý, phản biện xã hội 59 nội dung; Hội cấp quận, huyện tổ chức giám sát 208 nội dung ; góp ý, phản biện 250 nội dung liên quan đến các chủ trương, chính sách của địa phương (Dự thảo kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm; dự thảo phương án xây dựng hoa viên Quận 6; dự thảo kế hoạch thực hiện công tác Bình đẳng giới; Dự thảo Đề án khai thác Phố đi bộ - Hồ con rùa Quận 3; dự thảo kế hoạch triển khai tổ chức hoạt động Phố ẩm thực Hà Tôn Quyền của Ủy ban nhân dân Quận 11; ...). Hội cấp phường, xã, thị trấn giám sát 1.988 nội dung , góp ý 2.041 nội dung.

Lực lượng cán bộ nữ tham gia cấp uỷ, chính quyền ngày càng chiếm tỷ lệ cao.

Thực hiện giám sát các vụ việc trong lĩnh vực tư pháp 90 vụ việc  bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các tổ chức liên quan để vào cuộc quyết liệt, kiên trì với mục tiêu bảo vệ quyền lợi của nạn nhân bị xâm hại, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, truy tố đúng người, đúng tội, có 83 vụ đã giải quyết dứt điểm có kết quả. Còn 07 vụ đang được cơ quan chức năng thụ lý, giải quyết. Các cấp Hội tiếp tục thực hiện chức năng giám sát tiến độ giải quyết vụ việc.

Hoạt động giám sát, phản biện của Hội LHPN các cấp trên địa bàn thành phố đã tạo điều kiện để hội viên phụ nữ phát huy quyền làm chủ, đóng góp ý kiến vào việc thực thi chính sách, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời điều chỉnh, sửa đổi bổ sung những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Qua đó, mối quan hệ của tổ chức Hội Phụ nữ với các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được thắt chặt, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập để phụ nữ được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo công bằng, bình đẳng. Hoạt động phản biện xã hội đã giúp cho cán bộ, hội viên phụ nữ phát huy trí tuệ tham gia đóng góp một cách dân chủ trong các văn bản dự thảo của Đảng, chính quyền. Từ đó làm cho các chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước hợp với lòng dân, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn đã được điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn.

Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng mặc dù đây là nhiệm vụ thường xuyên nhưng rất khó thực hiện, công tác giám sát, phản biện xã hội cấp cơ sở có nơi còn lúng túng, nhất là khi có nội dung phát sinh ngoài chương trình giám sát đã đăng ký, trong quá trình thực hiện có thay đổi về đối tượng được giám sát theo tình hình thực tế nên dẫn đến tình trạng trùng lắp về đối tượng được giám sát giữa các ngành; công tác giám sát độc lập của các cấp Hội chủ yếu thực hiện giám sát các chính sách an sinh xã hội, chính sách pháp luật về bình đẳng giới. Một số cán bộ Hội còn hạn chế về kiến thức pháp luật, kỹ năng giám sát, nhân sự thường xuyên thay đổi, biến động, nhất là cấp cơ sở dẫn đến năng lực nhìn nhận, phân tích, phát hiện vấn đề bất cập, phát sinh trong quá trình thực hiện giám sát còn hạn chế.

Thời gian tới, các cấp Hội LHPN TP tiếp tục thực hiện khảo sát, lắng nghe ý kiến người dân bằng nhiều cách, nhiều kênh... trước khi thực hiện nội dung giám sát. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, phản biện xã hội. Có phương pháp thích hợp thu thập thông tin, ý kiến người dân, hội viên, phụ nữ về vấn đề được giám sát để có nhiều thông tin nhiều chiều, qua đó nhìn nhận kết qua giám sát được toàn diện, khách quan hơn nhằm nâng cao chất lượng giám sát.

Tiếp tục phát huy tốt hơn vai trò cán bộ hội là đại biểu HĐND các cấp trong việc giám sát, chất vấn và tham gia giải quyết các vụ việc có liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Đối với những vụ việc bức xức trong cán bộ, hội viên, những vụ việc mà cơ quan chức năng chậm giải quyết, chậm phối hợp với các ngành tham gia giải quyết, hỗ trợ (các vụ bạo lực, xâm hại..) có báo cáo ban văn hóa - xã hội HĐND cùng cấp để cùng ghi nhận và giám sát quá trình giải quyết vụ việc nếu cần thiết. Nơi không có HĐND, thông tin báo cáo MTTQ tại địa phương để báo cấp ủy đưa vào nội dung giám sát, hoặc phối hợp giám sát (nếu cần)…/..

Hoàng Mẫn