Cựu chiến binh Trần Văn Cường

Khẳng định bản lĩnh, trí tuệ người lính bộ đội cụ Hồ

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Bồng Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình có 6 anh chị em. Những năm 60 của thế kỷ trước, đất nước oằn mình trong làn bom đạn của đế quốc Mỹ, như bao đứa trẻ khác, Trần Văn Cường lớn lên giữa tiếng bom rơi và nỗi nhọc nhằn, vất vả của mẹ cha.

18 tuổi chàng thanh niên Trần Văn Cường vào quân ngũ tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh Biên giới và cuộc chiến giúp nước bạn Campuchia chống lại nạn diệt chủng Pônpốt.

 “Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội của mình là còn lành lặn trở về quê hương. Năm 1988 sau khi xuất ngũ tôi bắt đầu cuộc hành trình vào miền đất phương Nam để tập trung làm kinh tế. Những ngày đầu ở mảnh đất phương Nam với muôn vàn khó khăn, việc làm ăn lúc thuận buồm xuôi gió, khi lại chông chênh, thua lỗ nhưng với bản lĩnh của một người từng vào sinh ra tử, khó khăn khiến tôi có thêm nỗ lực, quyết tâm để bước tiếp”. Ông Cường bộc bạch.

Vừa học, vừa làm, ông Cường đã trải qua nhiều ngành nghề từ buôn bán than, bán vàng bạc, xuất khẩu may mặc, thủy sản, rồi bất động sản… sau đó ông thành lập Công ty TNHH Bảo Cường chuyên về lĩnh vực bất động sản. Đến nay sau nhiều năm cựu chiến binh Trần Văn Cường đã dần khẳng định tên tuổi của mình trên mặt trận kinh tế mới, với ngơi khang trang ở Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.

Không chỉ giỏi làm kinh tế, là hội viên Hội cựu chiến binh Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, ông Cường luôn gương mẫu tham gia tích cực vào các phong trào do địa phương phát động. Ông tích cực hỗ trợ, giúp đỡ những cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn…Năm 2008, cựu chiến binh Trần Văn Cường vinh dự được tặng danh hiệu Doanh nhân thời kỳ Đổi mới.

Hơn 40 năm bôn ba xa quê, trải qua biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc đời, chứng kiến sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc; lúc lại gồng mình, lăn lộn với những thăng trầm trên thương trường khốc liệt… nhưng cựu chiến binh, doanh nhân, nhà thơ Trần Văn Cường luôn sống lạc quan, trân quý tình đồng đội, tình yêu quê hương đất nước và một lòng trung kiên với Đảng, với nhân dân. Đặc biệt hơn tinh thần và vốn sống đáng quý ấy được ông gửi gắm qua những áng thơ ca nhân văn đầy trữ tình, trở thành những lời răn dạy, lời nhắn nhủ đi vào lòng bao thế hệ trẻ hôm nay.

Gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước qua những áng thơ ca

Cựu chiến binh Trần Văn Cường chia sẻ về cuốn hồi ký "Tôi để lại cho đời những dấu chân" mà ông đang hoàn thiện 

 

Ở tuổi ngoài 60 ông Cường vẫn say mê với công việc. Bên cạnh công việc kinh doanh, ông vẫn miệt mài sáng tác thơ và các ca khúc như để trải lòng, chiêm nghiệm về những gì mình đã trải qua.

300 bài thơ, với ngôn từ mộc mạc, đậm chất tự sự trong các tập thơ “Nỗi nhớ tháng năm” và “Lối về quê mẹ”, nhà thơ Trần Văn Cường thể hiện tình yêu và nỗi nhớ về quê hương, nhớ thời thơ ấu bao khó khăn, nhớ đến cha mẹ và những đồng đội yêu thương; nhớ về một thời lập nghiệp đầy gian khó và nhiều biến cố…

Trong số hàng trăm bài thơ đã sáng tác, nhà thơ Trần Văn Cường đã có 140 tác phẩm được phổ nhạc và gắn với tên tuổi của các nghệ sĩ lớn như: Trọng Tấn, Anh Thơ, Tân Nhàn… Đó là những tác phẩm nghệ thuật chan chứa tình cảm, giàu chất tự sự nhưng cũng thắm đượm một tinh thần lạc quan, yêu đời, đồng thời, hướng người đọc, người nghe đến những chân lý, giá trị cốt lõi của cuộc sống.

Lúc thì Trần Văn Cường hoài niệm về những ký ức chiến tranh với “Nhớ màu áo lính” và “Đồng đội ơi”. Khi thì trải nghiệm một thời sóng gió do làm ăn thất bát, phải vào rừng đào lan đem bán sống qua ngày với “Hoa lan”… Có khi anh lại trầm tư, nghẹn ngào về quê hương, về gia đình một thời gian khó như “Về quê nội”,  “Tình quê qua điệu Ví”, “Cha tôi”, “Thương cha”, “Tình quê nhớ mẹ”. Có khi thì anh hồn nhiên, dí dỏm với những lời ca “Dặn vợ”, “Dặn con”; khi lại trong sáng, thơ ngây như tình yêu đầu trong “Sương giăng bản em”, “Hoa bèo tím”…

Khi được hỏi về những chất liệu làm nên những áng thơ trữ tình nhưng cũng chứa đựng những giá trị nhân văn cao cả ấy, cựu chiến binh Trần Văn Cường bộc bạch: “Ngoài những hoài niệm, ký ức chiến tranh và những trải nghiệm sống ở các vùng đất mà anh từng in dấu chân; về hơi thở của cuộc sống đang cựa quậy bên mình mỗi ngày thì người vợ - hậu phương vững chắc đã giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn nhất, cùng tôi gây dựng sự nghiệp và nuôi dạy con cái chính là nguồn cảm hứng lớn trong thơ của tôi”.

Ông khoe hiện bản thân đang hoàn thiện cuốn hồi ký “Tôi để lại cho đời những dấu chân” viết lại những câu chuyện về cuộc đời của ông. Ông cũng mong muốn qua những câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cho cho con cháu và những thế hệ trẻ về tinh thần không chùn bước trước những khó khăn, về tinh thần tích cực trên con đường lập thân, lập nghiệp…/.

Bài ảnh: An Nhiên