Quang cảnh buổi làm việc.
Chào mừng đoàn Đại sứ các nước EU đến làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990 đến nay, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU phát triển hết sức tốt đẹp, thể hiện qua việc hai bên đã ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU năm 2012. Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt và lớn nhất của Việt Nam, đang nỗ lực trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực. Để thực hiện mục tiêu này, Thành phố đã ban hành và triển khai Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh và Đề án Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế, nhằm thu hút các tổ chức tài chính, tạo động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kinh tế cả nước nói chung. Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, EU có 1.081 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 3,95 tỷ USD. Các nhà đầu tư lớn là Hà Lan (136 dự án; 1,8 tỷ USD), Anh (149 dự án; 617 triệu USD), Đức (151 dự án; 286 triệu USD), Thụy Điển (32 dự án; 274 triệu USD), Pháp (252 dự án; 262 triệu USD).
5 tháng đầu năm 2019, châu Âu có 41 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đạt 26,82 triệu USD.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị các đối tác EU tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh trong việc phát triển hạ tầng đô thị, đặc biệt là đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành. Trước mắt là xem xét cung cấp các dự án hỗ trợ kỹ thuật đối với các dự án chưa có nhà tài trợ, nghiên cứu tính khả thi của dự án. Đặc biệt, với dự án tuyến tàu điện ngầm số 2, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ủy ban châu Âu (thông qua Ngân hàng KfW) gia hạn thời gian tiếp nhận khoản viện trợ để thực hiện nghiên cứu khả thi cho dự án; đồng thời điều chỉnh một số nội dung trong điều khoản viện trợ để phù hợp hơn với tiến độ thực hiện và các quy định của pháp luật Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc.
Đại sứ Bruno Angelet bày tỏ ấn tượng về sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh cả về cơ sở hạ tầng và những cải thiện trong môi trường đầu tư; đồng thời chia sẻ với những khó khăn của Thành phố trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, cụ thể là hệ thống đường sắt đô thị và khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Thành phố về mặt kỹ thuật cũng như tài chính.
Ông Bertrand Lortholary, Đại sứ Pháp tại Việt Nam chia sẻ, môi trường đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh được cải thiện đáng kể, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay, một số công ty, ngân hàng đầu tư nhiều kinh nghiệm của EU đang đặc biệt quan tâm vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, bao gồm cả đường bộ, đường thủy, hàng không và đường sắt trên cao (metro). Đặc biệt, các doanh nghiệp Pháp có nhiều kinh nghiệm trong việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng các sân bay và rất sẵn lòng hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trong việc lên kế hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Liên quan tới hợp tác thương mại, Đại sứ Bruno Angelet khẳng định EU đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và cho biết, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang trong quá trình hoàn tất việc phê chuẩn để đi tới ký kết chính thức trong thời gian gần.
Theo Đại sứ Bruno Angelet, việc thực thi EVFTA sẽ là động lực thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU. Đặc biệt, khi EVFTA có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội hiện diện nhiều hơn ở thị trường EU.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, EVFTA là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam. Với vai trò là trung tâm kinh tế và thương mại của Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn các nước EU sẽ đẩy nhanh tiến độ phê chuẩn và đưa vào thực thi EVFTA.
Về phía mình, để thực hiện các cam kết trong EVFTA, Thành phố sẽ tập trung rà soát các chính sách, quy định, đảm bảo phù hợp với các cam kết của Hiệp định, đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, Thành phố tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, sản phẩm của thành phố thông qua đầu tư phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực, tận dụng tốt nhất cơ hội đẩy mạnh thương mại với thị trường EU trong thời gian tới.
Lãnh đạo Thành phố cũng cam kết sẽ làm hết sức mình để bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Song song với hợp tác thương mại, đầu tư, tại buổi làm việc, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Đại sứ các nước EU cũng thống nhất sẽ tăng cường trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân, nhằm duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới./.