Tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh vai trò của thị trường tài chính trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đây còn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết các đô thị trên thế giới. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh dẫn chứng: Tại New York, dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng 46% trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế, tại London là 42%, tại Thượng Hải là 27% và tại Singapore là 29%.
Điều đó cho thấy, mô hình tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành nên một trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trải qua khi trở thành TP toàn cầu.
Đối với TP. Hồ Chí Minh ngay từ năm 2002 nhằm bắt kịp với xu thế thời đại, TP đã có khát vọng “biến mình” trở thành trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Do đó, ngay từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP và từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán đã được thành lập tại TP.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh: Việc trở thành trung tâm tài chính là một quá trình phức tạp, khó khăn do TP có điểm xuất phát thấp, trong số 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời, bình quân cứ 5 năm dân số TP tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp.
Không những thế, tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020. Cùng với đó, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực… Điều này làm cho tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, những hạn chế đó không làm TP chùn bước mà càng thôi thúc TP mơ ước và khát vọng cao hơn, đó là khát vọng mãnh liệt để TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững hơn.
Khi TP. Hồ Chí Minh tiến lên thì các đô thị khác khác cũng tiến lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Do vậy, với ý chí kiên cường, tinh thần năng động sáng tạo,TP tự xác định trách nhiệm của mình phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải đổi mới sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn để tích lũy tài lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và rút ngắn thời gian hình thành trung tâm tài chính quốc tế.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ những dẫn chứng cụ thể từ các trung tâm trên thế giới đã chỉ ra những thách thức với TP. Hồ Chí Minh trong việc xây dựng TP trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Ông Hòe cho rằng: Thể chế không phải là yếu tố duy nhất quyết định một môi trường kinh doanh thuận lợi. Các doanh nghiệp tài chính phụ thuộc rất nhiều vào những dịch vụ hỗ trợ sẵn có như hệ thống thông tin liên lạc, trung tâm dữ liệu, văn phòng cho thuê… Các tổ chức tài chính lớn kì vọng ở một trung tâm tài chính phải luôn sẵn sàng đáp ứng bất kì nhu cầu nào về dịch vụ, với một mức giá hợp lý. Ngoài ra, vấn đề hạ tầng cơ bản như giao thông, năng lượng cũng phải được đáp ứng đầy đủ.
Cơ hội “có một không hai”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Hoàng Hùng)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Việc hình thành trung tâm tài chính thu hút vốn đầu tư, đẩy mạnh hợp tác thương mại đầu tư tài chính, sẽ nâng tầm vị thế quốc gia. Nhiều quan điểm hoài nghi về ý tưởng này nhưng xét trên cục diện tổng thể và những lợi thế riêng có của TP. Hồ Hồ Chí Minh có thể khẳng định Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước cơ hội "có một không hai” để hình thành một trung tâm tài chính ngang tầm khu vực. Đây cũng là xu hướng tất yếu, biểu hiện của một quốc gia năng động nhằm thu hút các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để Trung tâm hoạt động thành công cần phải có pháp luật, chính sách và thể chế phải vượt trội để cạnh tranh được với các trung tâm tài chính quốc tế khác.
Tạo sự khác biệt
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright chia sẻ tại diễn đàn.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Trường Đại học Fulbright cho rằng: TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt với khó khăn từ chính sách vĩ mô và pháp luật, do đặc trưng của hệ thống tài chính Việt Nam là các ngân hàng đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Chính phủ phải có chính sách và cam kết mạnh mẽ về việc này và TP. Hồ Chí Minh chỉ là nơi thực hiện. Tuy nhiên, thách thức trong quá trình thực hiện là sự cạnh tranh gay gắt bởi hầu như quốc gia nào cũng muốn trở thành trung tâm tài chính trên thế giới.
Do vậy, muốn thành công cần có sự đột phá đến từ các yếu tố như chính sách của quốc gia, từ chính tầm nhìn và quyết tâm tự thân của TP. Hồ Chí Minh trong chiến lược xây dựng TP thành trung tâm dịch vụ, thương mại, đầu tư. Để làm được, TP phải giải quyết cùng lúc nhiều bài toán, đặc biệt là hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực.
Cũng theo TS Vũ Thành Tự Anh, để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, TP. Hồ Chí Minh cần phải là trung tâm tài chính quốc gia. Để tiến ra khu vực và thế giới thì cần một cách tiếp cận khác, nương theo biến động và xu thế của khu vực, thế giới, không theo truyền thống. Bên cạnh đó, TP cần tìm một số “thị trường ngách” để tạo sự khác biệt và đột biến song song với việc phát triển trung tâm giao dịch hàng hóa. Trên tất cả là cần giải pháp tổng thể, kết hợp chính sách trung ương và nỗ lực địa phương thì chúng ta mới có thể thực hiện thành công.
Phó Giám đốc Ngân hàng BacA Bank chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Đạt chia sẻ với báo chí.
Đồng quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BacA Bank chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Đạt cho rằng: Tạo thế mạnh về tài chính là một trong những mấu chốt, điều này cũng đòi hỏi hệ thống tài chính nói chung và ngành ngân hàng nói riêng cũng cần có những cải tiến cho phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Quốc Đạt, hệ thống ngân hàng thương mại nói chung cũng cần có sự thay đổi về môi trường kinh doanh, hợp tác, đổi mới mạnh mẽ công nghệ thông, hệ thống nhân sự phải có trình độ cao, chuyên nghiệp, thân thiện và đặc biệt phải đánh giá tốt rủi ro bền vững để đáp ứng những yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế, như vậy mới có thể thu hút được khách hàng khó tính đến từ nhiều nước trên thế giới./.