Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Long Hồ)
Tại Hội nghị, ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh cho biết, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, các dự án chỉnh trang đô thị thông qua phương thức xã hội hóa đầu tư theo các hình thức như xây dựng - chuyển giao (BT), hợp tác công tư (PPP), xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT)... đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa rất lớn, mang lại nhiều hiệu quả rất thiết thực. Việc này đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương, nhất là trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn. Tại TP.Hồ Chí Minh, nguồn lực xã hội hóa đã giúp thành phố hoàn thành những công trình giao thông quan trọng như; cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, đường Phạm Văn Đồng… Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội thành phố phát triển, giảm bớt áp lực cho ngân sách thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các đại biểu cũng cho rằng, còn tồn tại nhiều vấn đề mà mặt trái của mô hình này đem lại, cần phải bàn tới. Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright), các dự án BT lâu nay gần như hoàn toàn dựa vào đổi đất lấy hạ tầng. Việc định giá đất và quá trình đổi đất chưa minh bạch, gây bức xúc trong xã hội. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du còn nhận định việc TP.Hồ Chí Minh chỉ định thầu thực hiện dự án BT, thay vì đấu thầu cạnh tranh để chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT cũng phát sinh nhiều bất cập khác. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư lại có khuynh hướng dựa dẫm quá nhiều vào tiền vay ngân hàng do năng lực tài chính không đảm bảo nên khi lãi suất ngân hàng biến động, lập tức tiến độ dự án bị ảnh hưởng, tính rủi ro tăng lên, thời gian thu hồi vốn dài gây bức xúc cho người dân.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoRea) cũng cho rằng, phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư các khu đất vàng hoặc theo hình thức BT (và PPP, BOT) khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, giảm sự công khai, minh bạch và sự canh tranh lành mạnh, bình đẳng. Ông Châu cho rằng, nên thực hiện phổ biến hình thức đấu giá công khai, đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo hình thức BT nói riêng và hình thức PPP nói chung, kể cả các khu đất vàng đối ứng cũng phải đấu giá, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu.
Đường Phạm Văn Đồng,TP.Hồ Chí Minh được đầu tư theo hình thức BT (Ảnh:Thành Trí)
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TP.Hồ Chí Minh đang xây dựng quy trình thực hiện dự án BT. TP.Hồ Chí Minh sẽ xác định cụ thể danh mục những dự án nào sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức BT để công khai cho xã hội giám sát, đồng thời, sắp tới, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án BT phải thông qua đấu thầu.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong bày tỏ vui mừng khi mô hình BT đã góp phần cùng TP.Hồ Chí Minh và cả nước giải quyết những bức xúc của người dân về giao thông, môi trường, ngập nước… Tuy nhiên, công tác quản lý các dự án BT còn bất cập, các dự án BT chỉ chú trọng vào các vị trí đất đẹp có khả năng thu về lợi nhuận nhanh, ít rủi ro. Trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh hiện còn nhiều mảnh đất đẹp, nằm ở vị trí đắc địa, được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Nếu TP.Hồ Chí Minh quản lý không khéo thì dễ rơi vào tình trạng tiêu cực. Do đó, TP.Hồ Chí Minh phải đấu giá các mảnh đất này, chứ không dùng chúng để thanh toán cho các dự án BT.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, để các dự án BT đạt hiệu quả thì cần có vai trò của cơ quan chức năng mà ở đây là phải xây dựng một bộ khung pháp lý cho dự án BT, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, phân chia rủi ro, hạn chế rủi ro tiềm tàng. Các sở, ngành quận, huyện cần tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin từ Thành phố đến cơ sở. Các doanh nghiệp cần thực hiện quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định pháp luật, chủ động trao đổi, phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thực hiện các dự án BT.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định, chính sách của TP.Hồ Chí Minh là đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước - người dân - nhà đầu tư khi thực hiện các dự án BT. Lãnh đạo Thành phố tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và mong muốn các doanh nghiệp quan tâm đến đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật, xây dựng văn hoá doanh nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…
Ước tính nhu cầu đầu tư của TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 850.000 tỷ đồng, trong khi ngân sách Thành phố chỉ có thể đáp ứng được 20%. Thành phố đang tiếp tục tìm kiếm, xây dựng cơ chế, giải pháp để tạo nguồn bù đắp mức chênh lệnh này. Hiện nay, TP.Hồ Chí Minh đưa ra danh mục kêu gọi 88 dự án (đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư) với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 193.560 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải có 31 dự án; lĩnh vực chỉnh trang, phát triển đô thị có 20 dự án; lĩnh vực môi trường, cấp thoát nước có 15 dự án… |