Sơ đồ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài.

Nếu được phê duyệt, tuyến đường có chiều dài 53,5km sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 10.456 tỷ đồng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Dự án được thi công và hoàn thành công trình vào năm 2025.

Theo Tờ trình của Ban Quản lý dự án 2, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài dài 53,5km, bắt đầu từ đường Vành đai 3, TP Hồ Chí Minh đi song song với đường sắt Tân Chánh Hiệp - Trảng Bàng, cắt qua đường vành đai 4, đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài dự kiến được đầu tư thành hai phân đoạn: TP Hồ Chí Minh - Trảng Bàng (dài 33km) và Trảng Bàng - Mộc Bài (dài 20,5km). Trong đó, đoạn TP Hồ Chí Minh - Trảng Bàng có quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng 27m, tốc độ thiết kế 120km/h.

Đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài được đề xuất đầu tư với mô hình đường cao tốc hạn chế 4 làn xe, nền đường rộng 17m, tốc độ thiết kế 80km/h.

Theo tính toán sơ bộ của Ban Quản lý dự án 2, dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.456 tỷ đồng, trong đó, riêng phần chi phí xây lắp, thiết bị (5.745 tỷ đồng) và giải phóng mặt bằng, tái định cư (2.004 tỷ đồng) chiếm số vốn lớn nhất của toàn dự án.

Do tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài rất lớn, nên để đảm bảo tính khả thi về tài chính, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của tư vấn Hàn Quốc, Ban Quản lý dự án 2 đề xuất áp dụng hình thức đầu tư hỗn hợp gồm PPP, vốn ODA và ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, phần vốn tham gia của nhà đầu tư PPP là 5.413 tỷ đồng; phần vốn góp của Nhà nước là 5.043 tỷ và vốn vay ODA phục vụ xây lắp và tư vấn là 2.866 tỷ đồng.

Được biết, Quốc lộ 22 là tuyến giao thông duy nhất kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với cửa khẩu Mộc Bài. Tuyến đường đang duy trì tốc độ tăng trưởng về lưu lượng hành khách và hàng hóa lần lượt khoảng 7,7% và 8,6%/năm và sẽ ùn tắc giao thông trong vài năm tới, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế trong khu vực và hai địa phương TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh./.

PC