Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo. (Ảnh:Việt Dũng)
Ngày 14/8, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo định hướng quy hoạch và phát triển cây xanh, công viên và chiếu sáng các quận nội thành giai đoạn 2019-2025.
Tham dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị, cây xanh, chiếu sáng, trong đó có các chuyên gia quốc tế đến từ Pháp, Australia, Singapore và Hàn Quốc.
Diện tích cây xanh chỉ đạt 0,5 m2/người
Phát biểu mở đầu Hội thảo, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, năm 1975 dân số của thành phố là 3,5 triệu dân, đến thời điểm hiện tại con số này là 10 triệu, chiếm 10% dân số của cả nước. Với nguồn lực này, năng suất lao động của thành phố gấp 2,95 lần cả nước.
“Kinh tế TP. Hồ Chí Minh khá phát triển nhưng cây xanh còn lạc hậu. Quy hoạch xác định diện tích cây xanh cần đạt được từ 6-7 m2/người, nhưng hiện chỉ đạt 0,5 m2/người. Tổng diện tích cây xanh so với yêu cầu chỉ đạt 8%. Khi quy hoạch, các đô thị mới đều phải dành một phần diện tích cho cây xanh tương ứng với 7m2/người nhưng thực tế trong các khu đô thị mới, diện tích cây xanh chỉ đạt 0,5 m2/người”.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, so sánh với một số nơi, tỷ lệ cây xanh trên địa bàn hiện rất thấp. TP. Hồ Chí Minh có hơn 10 triệu dân nhưng chỉ có khoảng 102.000 cây xanh được đánh số, có địa chỉ. Trong khi đó, Singapore có diện tích hơn 1/3 diện tích của TP. Hồ Chí Minh và dân số chỉ hơn một nửa dân số của TP. Hồ Chí Minh nhưng có hơn 2 triệu cây xanh. Điều đó cho thấy, công viên cây xanh ở TP. Hồ Chí Minh còn lạc hậu và TP. Hồ Chí Minh phải tham khảo kinh nghiệm này của các nước xung quanh.
Theo Sở Xây dựng, đa số công viên hiện nay đều được khai thác từ rất lâu, đã xuống cấp. Việc sửa chữa, nâng cấp nhìn mang tính tạm thời, chắp vá và thiếu định hướng chung. Các khu vực, không gian, tiện ích như sân sinh hoạt cộng đồng, hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh, trò chơi trẻ em… chưa đáp ứng đủ theo nhu cầu.
Ngoài ra, chỉ tiêu đất công viên công cộng của thành phố kém xa với quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch chung. Cụ thể, diện tích cây xanh công viên thấp nhất cũng phải là 2 m2/người và cao nhất đến 15 m2/người. Số liệu thống kê đến cuối năm 2018, thành phố có hơn 491 ha đất công viên, đạt 0,49 m2/người. Trong đó, nội thành cũ (gồm 13 quận) có 273 ha, đạt 0,67 m2/người. Khu vực quận mới (gồm 6 quận) có 172 ha, đạt 0,72 m2/người. Khu vực ngoại thành (5 huyện) có 46 ha, đạt 0,3 m2/người.
Theo các chuyên gia, trong bán kính 200m của một cụm dân cư, lẽ ra phải có một công viên phục vụ cộng đồng; trong một khu đô thị, lẽ ra phải có nhiều công viên đa chức năng với quy mô tương xứng, phục vụ nhu cầu đa dạng theo nhiều độ tuổi cư dân. Thế nhưng, thành phố chỉ có vài công viên như 30/4, 23/9, Tao Đàn, Hoàng Văn Thụ, Lê Thị Riêng… Những công viên này hiện đã xuống cấp, không có nhiều khu vực vui chơi, giải trí nên người dân có đến cũng chỉ hít thở rồi về.
Ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 7 năm từ 2012-2018, diện tích công viên công cộng đã tăng 10,78ha, tức trung bình tăng 1,54ha/năm nhưng với tốc độ này, TP. Hồ Chí Minh sẽ phải mất rất nhiều thời gian để phủ xanh khoảng hơn 10.000ha đất công viên còn lại, theo quy hoạch. Bên cạnh đó, người dân ở các quận ven, huyện ngoại thành có ít công viên để vui chơi. Muốn đi công viên, họ chỉ có cách đi vào trung tâm thành phố. Ngược lại, những địa phương này lại có quỹ đất quy hoạch công viên cây xanh rất lớn, như quận 9 có quỹ đất quy hoạch công viên công cộng là 1.346,48ha nhưng hiện chỉ mới 118,07ha được phủ xanh; huyện Củ Chi quy hoạch 2.869,75ha nhưng hiện chỉ 4,23ha đất được phủ xanh, huyện Hóc Môn quy hoạch 863,82ha đất cho công viên nhưng hiện diện tích được phủ xanh là 0ha.
Theo Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, để khắc phục hạn chế trên sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đã đến lúc TP. Hồ Chí Minh phải quyết liệt thay đổi. Đồng thời khẳng định, thành phố có quyết tâm và không thiếu các nhà khoa học nhưng nhiều năm qua việc quản lý phát triển cây xanh vẫn bị bỏ ngỏ. Qua hội thảo, thành phố mong các nước đi trước, phát triển giúp đỡ thành phố trong việc này.
Chiếu sáng chưa đồng bộ
Nếu công viên cây xanh bất cập, thì hệ thống chiếu sáng của TP. Hồ Chí Minh cũng chưa đáp ứng sự mong mỏi của người dân, chưa đồng bộ và vẫn phát triển theo kiểu “đèn nhà ai nhà ấy rạng”.
Nhiều nơi như, con hẻm, xóm trọ, xuất hiện nhiều ngôi nhà mới xây dựng, do lưới điện không tới nên người dân phải tự đấu nối đường điện tùy tiện. Bên cạnh đó, họ còn dùng đủ loại đèn kể cả những loại không phù hợp để chiếu sáng đường phố, tắt mở thủ công và không đảm bảo kỹ thuật, dẫn đến nhiều khó khăn về giao thông, đường dây chằng chịt tạo sự nguy hiểm và không an toàn.
Ngoài ra, có nhiều dự án chung cư được xây dựng, bán cho người dân vào ở nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh, hệ thống chiếu sáng. Một số trường hợp chủ đầu tư cố tình không đền bù, giải tỏa phần đất xây dựng công viên hoặc điều chỉnh đất công viên cây xanh thành loại đất khác để mưu lợi.
Ông Huỳnh Trí Dũng - Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến tháng 6/2019, TP. Hồ Chí Minh tồn tại khoảng 1.099 vị trí vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện, các thiết bị bảo vệ không tin cậy do không có chế độ kiểm định sau khi đưa vào vận hành.
Ông Huỳnh Trí Dũng thừa nhận, trong những năm qua, dù áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến và liên tục đổi mới trong ngành chiếu sáng nhưng kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, nhiều công trình vừa đưa vào sử dụng đã bị lỗi, ví như hệ thống chiếu sáng do Chính phủ Pháp tài trợ, gồm xây dựng một trung tâm điều khiển, trang bị thiết bị và phần mềm chuyên dụng cho trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng, kết nối được 110.000 điểm sáng. Thế nhưng, qua vài năm sử dụng, đã xuất hiện nhiều lỗi gây mất kết nối giữa trung tâm điều khiển với thiết bị ngoại vi.
Cùng quan điểm trên, các chuyên gia cho rằng, hệ thống chiếu sáng công cộng phải được lắp đặt chung, đi chung với các hệ thống điện lực, viễn thông, thông tin, nhưng trên thực tế, hệ thống chiếu sáng công cộng vẫn còn lạc hậu, chưa được ngầm hóa cùng lúc với các hệ thống kia.
Cũng theo các chuyên gia, trong việc quy hoạch chiếu sáng của TP. Hồ Chí Minh, ngoài đáp ứng nhu cầu dân sinh, còn phải tính đến ý tưởng phát triển các sản phẩm du lịch về đêm nhằm biến thành phố trở thành “Thành phố không ngủ”.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong quá trình phát triển thành phố gặp không ít khó khăn về quy hoạch hệ thống chiếu sáng. Qua hội thảo, TP. Hồ Chí Minh mong muốn nhận được các chia sẻ từ các chuyên gia. Trong lĩnh vực này, TP.Hồ Chí Minh đã có chương trình hợp tác với Pháp và một số tòa nhà đã thực hiện chiếu sáng mỹ thuật. Song, TP. Hồ Chí Minh mong muốn tìm hiểu thêm kinh nghiệm chiếu sáng, từ đó hình thành đề án chiếu sáng ở trung tâm thành phố, tại mỗi quận - huyện, để giúp thành phố đẹp hơn và tiết kiệm năng lượng./.