Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm điều hành chương trình. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh; đại diện một số sở, ngành, quận, huyện liên quan.
Chương trình Lắng nghe và trao đổi.
Tình trạng ngập ngày càng lan rộng
Tại chương trình, các ý kiến cho rằng, công tác chống ngập nước trên địa bàn TPHCM thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng ngập nước trên địa bàn TP hiện nay có dấu hiệu trầm trọng, thời gian ngập kéo dài hơn, diện ngập lan rộng hơn; việc xử lý ngập nước của TP trong thời gian tới còn khó khăn.
Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Trương Trung Kiên cho rằng: Theo thống kê, số điểm ngập trên địa bàn TP được kéo giảm, nhưng qua khảo sát và ý kiến của cử tri phản ảnh, tình trạng ngập trên địa bàn TP ngày càng trầm trọng hơn, kéo dài hơn, lan rộng hơn. Hiện nay, TP mới thống kê tình trạng ngập trên các tuyến đường chính, còn tình trạng ngập xảy ra trong các khu dân cư, các tuyến hẻm chưa được thống kê, đánh giá về việc cải thiện ngập nước ở các khu vực này. Do đó, TP cần lưu ý tình trạng ngập ở các khu dân cư, tuyến hẻm.
Còn cử tri Lê Quốc Trị, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân cho hay: Dù chương trình chống ngập của TP mấy năm vừa qua đã đem lại kết quả khả quan, nhưng cũng có không ít công trình chống ngập làm cho người dân buồn, bức xúc. Chẳng hạn như đường Kinh Dương Vương, đường Mã Lò… Cử tri đề nghị sắp tới, nếu TP thực hiện các công trình chống ngập nên nghiên cứu các khu vực bị ảnh hưởng xung quanh nữa.
Về những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập nước của TP, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, TP chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Mật độ dân số và quá trình đô thị hóa của TP gia tăng nhanh, nhưng việc đầu tư cho hệ thống thoát nước đáp ứng nhu cầu đô thị hóa còn hạn chế, nhất là khu vực ngoại thành. Hệ thống cống thoát nước chưa đồng bộ, không đáp ứng đủ nhu cầu thoát nước cho TP. Hệ thống sông, kênh, rạch chưa được nạo vét hết nên không đảm bảo việc tiêu thoát nước. Tình trạng xả rác và lấn chiếm hệ thống thoát nước sông, kênh, rạch xảy ra phổ biến… Với những nguyên nhân nêu trên cho thấy, việc xử lý ngập nước của TP trong thời gian tới còn khó khăn.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM Nguyễn Văn Tám cho rằng, hiện nay việc phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác quản lý, duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước chưa đồng bộ; trong việc phân công, phân cấp quản lý hệ thống thoát nước còn bất cập, lúng túng trong việc phân định mô hình, cũng như quy định trách nhiệm giữa các đơn vị. Việc xây dựng chương trình đầu tư hệ thống thoát nước chưa sát với khả năng cân đối nguồn vốn, một số dự án triển khai chưa đồng bộ đảm bảo nhu cầu thoát nước theo lưu vực. Công tác cập nhật điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước cho phù hợp với tình hình thực tiễn còn chậm; công tác dự báo, xác lập số liệu tính toán cho thoát nước đô thị còn yếu kém; trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến công tác quản lý, điều hành thoát nước còn hạn chế...
Là người làm việc trực tiếp ở công trường, ông Ngô Chí Hùng, công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP thông tin: Hiện nay, ở những khu vực xây dựng nhà cao tầng, nhà hàng, quán ăn, các chợ… người dân thường xả chất thải, dầu mỡ, vật dụng… trực tiếp xuống cống gây tắc nghẽn dòng chảy thoát nước. Vì vậy, anh Hùng mong người dân có ý thức hơn nữa trong việc xả rác, đó là bỏ rác đúng nơi quy định, không bỏ rác ở các hầm ga, miệng thu, không xả rác xuống kênh, rạch làm cản dòng chảy của hệ thống thoát nước.
Tình trạng ngập nước trên đường Bình Chiểu, quận Thủ Đức.
Xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm
Từ thực trạng và nguyên nhân nêu trên, tại chương trình, các sở, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp giảm ngập nước cho TP thời gian tới. Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết: Hiện nay, TP đưa ra nhiều giải pháp như xây dựng những tuyến đường, tuyến cống, cũng như phối hợp với quận, huyện thực hiện việc đấu nối những tuyến đường, tuyến cống đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước; đầu tư một số cống kiểm soát triều; thí điểm những công nghệ mới, giải pháp mới như hồ điều tiết ngầm, giải pháp sửa cống không đào đường. Ngoài giải pháp công trình cần có sự tham gia của người dân trong công tác chống ngập.
Phó Giám đốc Sở GTVT TP Nguyễn Văn Tám cho rằng: Để giải quyết thoát nước tốt cho TP, trong công tác phối hợp phải tạo ra cơ chế rõ nét, đó là khi phát hiện vi phạm xâm hại hệ thống thoát nước thì thông báo cho cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xác định mép bờ cao và cắm hành lang an toàn kênh, rạch đảm bảo lưu vực thoát nước; đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước TP để làm cơ sở triển khai một cách đồng bộ các dự án liên quan và tạo điều kiện cho việc triển khai các dự án được thuận lợi. Mặt khác, tập trung đầu tư hệ thống thoát nước đồng bộ theo lưu vực. TP cần ưu tiên bố trí vốn cải tạo hệ thống kênh, rạch thoát nước.
Cho rằng quy hoạch thoát nước hiện nay của TP quá lạc hậu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, để giải quyết tình trạng ngập nước của TP, UBND TP khẩn trương quy hoạch thoát nước của TP. Đồng thời, rà soát lại công tác điều hành của UBND TP. Đối với các giải pháp đột phá trong các công trình, TP đẩy mạnh xã hội hóa mời gọi doanh nghiệp tham gia vào công tác chống ngập, các dự án phải quan tâm vấn đề công nghệ. Ngoài ra, TP kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về lấn chiếm kênh, rạch, cửa xả, hầm ga.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh: Vấn đề giảm ngập nước trên địa bàn TP là một nhiệm vụ trọng tâm của TP, nó không chỉ giải quyết quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP mà còn là yêu cầu rất bức thiết của người dân TP. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có nhiều giải pháp. Tuy nhiên, đối với một số giải pháp mang tính căn bản như quy hoạch, triển khai các dự án nhằm giải quyết tình trạng ngập ở các lưu vực… phải làm sao cho việc thoát nước phải nhanh, thời gian ngập phải được rút ngắn.
Bên cạnh đó, cần đầu tư các công trình mang tính hiệu quả, vì hiện nay có nhiều công trình đầu tư rất nhiều tiền nhưng hiệu quả không cao, thậm chí gây ngập nặng hơn. Cùng với đó, cần có sự hợp tác của người dân TP với chính quyền trong công tác chống ngập. Cụ thể, để làm được việc này, vấn đề lấn chiếm xây dựng trái phép trên kênh, rạch, trong phạm vi bảo vệ kênh, rạch cần xử lý nghiêm. Bởi vì, việc này do cơ quan quản lý nhà nước buông lỏng, không xử lý nghiêm, thậm chí có cán bộ tiêu cực. Ngoài ra, việc vận chuyển và thu gom rác phải được xử lý tốt; đồng thời cần thực hiện ngay việc nạo vét các dòng kênh, rạch./.