Cần bình đẳng trong việc sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp
Tại buổi đối thoại, các DN, hội ngành nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông đã nêu những phản ánh về khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh và mong muốn chính quyền TP có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cho DN phát triển.
Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM Trần Anh Tuấn cho rằng: Để DN công nghệ thông tin dám đầu tư, dám đổi mới sáng tạo và cũng để cộng đồng khởi nghiệp lớn mạnh, có nhiều hơn nữa các Startup có chất lượng, DN công nghệ thông tin cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể, TP cần ban hành quy định, chính sách kích thích đổi mới sáng tạo và tạo thị trường cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo bằng cách thông qua các chương trình thúc đẩy sản xuất thử nghiệm và khuyến khích các DN ưu tiên triển khai sử dụng sản phẩm đổi mới sáng tạo nhằm đổi mới hoạt động DN.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu kết luận buổi đối thoại.
Đặc biệt, để triển khai xây dựng thành công TP thông minh, TP cần xây dựng chính sách và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư; đồng thời các giải pháp của DN sẽ được trân trọng, những gì DN đầu tư sẽ được quan tâm và đặc biệt có cơ sở để hoàn được vốn đầu tư. Mặt khác, cơ quan Nhà nước tạo môi trường và điều kiện cho DN lớn đi cùng các DN khởi nghiệp, nhất là các điều kiện về đầu tư và chính sách ưu đãi thuế.
Bên cạnh đó, TP nên giành phần lớn kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ để đầu tư vào các dự án đổi mới sáng tạo của các DN. Ngoài ra, Nhà nước cần chống độc quyền trong việc sử dụng các sản phẩm của các DN lớn trong việc triển khai các giải pháp Chính phủ điện tử nhằm tạo niềm tin của DN nhỏ và vừa.
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ingreetech phản ánh: Hiện nay, về lĩnh vực năng lượng tái tạo, DN muốn đầu tư nhưng có hai vướng mắc lớn mà DN gặp phải. Thứ nhất là ở TPHCM chi phí đầu tư vào lĩnh vực này rất cao. Thứ hai, hiện nay giá mua điện của EVN không công bằng. Bởi vì, hiện nay giá điện của ngành điện lực tăng, trong khi mức giá điện mua vào của điện năng lượng mặt trời lại rất thấp. Vì vậy, Nhà nước nên có cơ chế thu mua giá điện hợp lý để khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Hiền cũng cho biết thêm: Hiện nay, các vấn đề DN gặp phải là về môi trường kinh doanh, đó là vấn đề độc quyền. Cụ thể, những chương trình mua sắm công ở các cơ quan Nhà nước đang có sự độc quyền mà không có cơ chế đấu thầu. Trong khi đó, từ năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ DN, trong đó cho phép các DN tham gia đấu thầu các dự án công mà không phân biệt là DN lớn hay DN nhỏ và ưu tiên các DN trong nước. Tuy nhiên, đến nay đã hai năm tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn còn. Vì vậy, DN mong muốn trong thời gian tới, chính quyền TP có chính sách hỗ trợ tốt cho DN, cụ thể thực hiện đấu thầu công khai để các DN lớn và DN nhỏ đều có thể tham gia vào các dự án mua sắm công nhằm tạo điều kiện cho DN kinh doanh phát triển.
TP hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp, kiến nghị về những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP, Chính phủ để có những giải pháp tháo gỡ giúp lĩnh vực công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông ngày càng phát triển tốt.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, TPHCM là trung tân kinh tế lớn hàng đầu của cả nước, đô thị đi đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, có năng suất lao động cao nhất nước. Tuy nhiên, hiện nay TP đang phải đối mặt với những vấn đề thách thức, tắc nghẽn. Đó là hạ tầng đô thị của TP không theo kịp sự phát triển của TP, thậm chí gây ra những ách tắc như tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… Chính vì vậy, TP đặt vấn đề xây dựng TPHCM trở thành một đô thị thông minh, đô thị sáng tạo nhằm giải quyết được những vấn đề bức xúc một cách thông minh nhất, hiệu quả nhất; đặc biệt là tăng cường sự tương tác giữa người dân và chính quyền. Do đó, TPHCM mong muốn nhận được sự đóng góp của các DN công nghệ thông tin vào sự phát triển của TP.
Quang cảnh buổi đối thoại.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Hiện nay, TP đang triển khai xây dựng các trung tâm thuộc Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh và sẽ tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch nhằm chọn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, TP xây dựng chính quyền điện tử trong đô thị thông minh, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tại các cơ quan của Nhà nước. TP sẽ giới thiệu cho các DN tham gia trong vấn đề này. TP khuyến khích các DN quan tâm đến lĩnh vực chính quyền điện tử đăng ký với chính quyền TP những giải pháp công nghệ mà DN có ý tưởng và sản phẩm tốt để TP đấu thầu triển khai rộng rãi.
Liên quan đến việc DN kiến nghị gia hạn thời gian hỗ trợ DN, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho hay: TP sẽ có báo cáo Chính phủ. Hiện nay, TP có Quyết định số 50/2015/QĐ - UBND ngày 30/10/2015 về hỗ trợ vay kích cầu. Theo đó, đối với những DN có những sản phẩm công nghệ tốt đóng góp cho sự phát triển của TP thì TP có chính sách hỗ trợ về lãi suất từ 50% đến 100% giúp DN. TP sẽ có những buổi làm việc cụ thể với những tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam để giới thiệu những sản phẩm của DN TP liên quan đến việc triển khai điện kế điện tử. Đồng thời, TP sẽ làm việc với Bưu điện TP, Công ty Cấp nước TP; các lĩnh vực y tế, giáo dục… TP sẽ căn cứ vào nhu cầu đăng ký của các đơn vị để chủ trì và bố trí cho các DN có thể giới thiệu những sản phẩm của mình.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng đề nghị Cục Thuế TP, Cục Hải quan TP từ nay đến cuối năm phải có buổi đối thoại riêng với các DN công nghệ thông tin để giải quyết những kiến nghị của DN./.