Rau xanh được dán tem truy xuất nguồn gốc trong hệ thống siêu thị tại TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: K.V)

Nhiều người tiêu dùng cho rằng, việc đánh giá, truy xuất được nguồn gốc các loại thực phẩm nói trên đã tạo được tâm lý an tâm khi đi mua sắm. Ngoài ra, giữa việc mua các mặt hàng thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và các sản phẩm chỉ rõ nơi bán, nơi sản xuất, chế biến thì đây chính là lựa chọn khiến người tiêu dùng tin tưởng để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình.

Chị Chu Hằng Nga, phường 13, quận Bình Thạnh cho biết, trong bối cảnh người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin về an toàn thực phẩm, tại TP. Hồ Chí Minh, việc thực hiện thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc rau quả được dư luận quan tâm. Suy cho cùng, mục tiêu của việc truy xuất nguồn gốc là nhằm minh bạch thông tin, người tiêu dùng an tâm khi mua sản phẩm và người sản xuất cảm thấy trách nhiệm hơn với sản phẩm làm ra.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai và Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh đã trao đổi về việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn được nuôi từ Đồng Nai cung cấp cho Thành phố. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, mỗi ngày Đồng Nai cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh khoảng 5.000 con lợn, tương đương khoảng 50% nhu cầu hàng ngày của Thành phố này. Do đó, phía Đồng Nai sẽ cung cấp cho TP.Hồ Chí Minh mã số những trang trại chăn nuôi lợn để kiểm soát trước khi các bên liên quan làm việc với nhau để thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt lợn

Theo đó, trên mỗi khay thịt lợn được bán tại hệ thống các siêu thị sẽ có dán một con tem. Người tiêu dùng tải và cài ứng dụng miễn phí Te-food (www.te-food.com) vào điện thoại thông minh sau đó “soi” vào con tem. Các thông tin gồm trại nuôi, nơi giết mổ, cơ sở phân phối… sẽ hiện lên trên màn hình. Nếu muốn biết thêm thông tin về trại nuôi, nơi giết mổ, cơ sở phân phối người tiêu dùng tiếp tục ấn vào nơi đó.

Đầu năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh đã chính thức thực hiện thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả. Trong đó có Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước An (huyện Bình Chánh) và Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Phú Lộc (huyện Củ Chi) tham gia vào chương trình này, với sản lượng rau, củ, quả dán tem truy xuất nguồn gốc vào khoảng 4 tấn/ngày, với 18 chủng loại. Sau hơn 3 tháng triển khai thí điểm, tổng sản phẩm rau, củ, quả có dán tem của 2 Hợp tác xã nói trên có sản lượng  từ 8 đến 10 tấn/ngày, chiếm khoảng 60% sản lượng sản phẩm bán ra thị trường của 2 Hợp tác xã.

Tuy nhiên, việc thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc bước đầu cũng gặp phải nhiều khó khăn, đó là là phải in mã tem riêng với số liệu, mẫu mã, màu sắc, kích thước khác nhau cho mỗi siêu thị; thời hạn sử dụng trên tem cũng khác nhau, làm mất nhiều công sức và thời gian. Đại diện Co.opmart cảnh báo về tình trạng nếu quá tập trung vào việc in, dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc có thể dẫn đến việc lơ là chất lượng. Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Verified, việc dán tem phải thực hiện ngay tại nơi sản xuất, nhưng phải được giám sát chặt, tránh tình trạng đưa rau quả sản xuất chưa đạt VietGAP vào. 

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao đề nghị cơ quan chức năng sớm ban hành những tiêu chí cơ bản chung về tem truy xuất nguồn gốc, dù là tem của bất kỳ công ty nào cung cấp, thị trường sẽ quyết định sự tiện dụng của loại tem nào. Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới sẽ khuyến khích tất cả các hợp tác xã và doanh nghiệp đủ điều kiện cùng tham gia. Tuy nhiên, việc mở rộng việc dán tem truy xuất nguồn gốc phải đi kèm với việc đảm bảo chất lượng và tính an toàn thực phẩm. Thành phố đang có chính sách hỗ trợ lãi vay ngân hàng từ 60% - 100% để sản xuất, cũng như hỗ trợ 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong việc khuyến khích sản xuất theo VietGAP.

Theo các nhà chuyên môn, hiện nay trên thị trường, thực phẩm tươi sống như rau củ, thịt, cá thường được phân loại gồm, thực phẩm thông thường, có chứng nhận VietGAP, chứng nhận GlobalGAP và thực phẩm hữu cơ. Đối với các loại sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP phải tuân thủ theo quy trình rất nghiêm ngặt từ khâu chọn đất trồng, giống, phân bón, nước tưới... cho đến khi thu hoạch, đóng gói phân phối ra thị trường. Hiện nay, phần lớn các sản phẩm VietGap hay GlobalGap sản xuất để xuất khẩu hoặc bán lẻ tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng có uy tín trên khắp cả nước. Còn đối với rau hữu cơ thì tiêu chuẩn trồng cao hơn nhiều. Để đạt chứng nhận tiêu chuẩn rau hữu cơ thì đơn vị sản xuất phải được một tổ chức có thẩm quyền quốc tế như: USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), EU, IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác hữu cơ) đánh giá và cấp chứng nhận./.

K.V