Các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự diễn đàn. (Ảnh: Chi Mai)

Chiều ngày 27/9, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam". Diễn đàn do Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam phối hợp với các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là đầu tàu kinh tế của cả nước

Phát biểu khai mạc, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những vùng kinh tế tạo động lực phát triển quan trọng hàng đầu của cả nước, đồng thời đóng vai trò một cửa ngõ kinh tế và cầu nối giao thương của Việt Nam với thế giới. Khu vực này đang hội tụ những lợi thế nổi trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đây sẽ là vùng trọng điểm, là đầu tàu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang, hiện đang đóng góp tích cực nhất vào sư phát triển kinh tế của cả nước.

Cụ thể, trong 10 năm qua, mức tăng trưởng kinh tế của Vùng luôn giữ mức ổn định và cao hơn 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước. Đây được xem là vùng kinh tế động lực, hội tụ những lợi thế nổi trội cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 – 2018 của Vùng đạt 11,31%/năm, gấp 1,7 lần mức tăng bình quân cả nước.

Năm 2018, GRDP của toàn Vùng đạt khoảng 2,517 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,42% GDP của cả nước và chiếm 50% GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm, chiếm 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của Vùng đạt khoảng 5.474 USD, gấp hơn 2 lần trung bình cả nước.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước với hơn 15 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, có 140 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động... Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã và đang phát huy lợi thế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh, thành lân cận trong vùng.

Bên cạnh kết quả đạt được, nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, mặc dù là “đầu tàu” kinh tế của cả nước nhưng tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lại đang có xu hướng chậm lại, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cản trở liên kết vùng và đặc biệt ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp.

Tăng trưởng kinh tế của Vùng đang có xu hướng chậm lại

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Chi Mai)

Phát biểu tại diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa được phát huy đầy đủ nhằm tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng, kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, kết nối chưa đồng bộ. Chất lượng phát triển đô thị còn thấp, bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nhiều khu vực còn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chưa bảo đảm nhu cầu an sinh xã hội. Phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng kế hoạch đề ra. Đặc biệt, cơ chế, chính sách phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn chưa hoàn thiện, thiếu đột phá cần thiết. Nhận thức về lợi ích của các chủ thể liên quan chưa đầy đủ, còn khác nhau, thiếu liên kết vùng chặt chẽ. Trên thực tế cơ chế liên kết vùng còn lỏng lẻo và chưa phát huy được hiệu quả.

Cùng với đó, cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn mang tính tự phát, hình thức, chương trình phối hợp phát triển kinh tế còn mang tính cục bộ, chưa phát huy hết lợi thế so sánh của Vùng, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thiếu cơ chế liên kết... Do đó, cần lập hội đồng vùng cũng như hội đồng doanh nghiệp vùng. Và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp là trung tâm kết nối doanh nghiệp vùng. Đồng thời, vùng này cần phát triển kinh tế số, khuyến khích hình thành các hội đồng doanh nghiệp theo từng lĩnh vực như nông nghiệp, dich vụ...

Cùng quan điểm trên, TS.Trần Du Lịch – Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, chủ trương của Đảng, Chính phủ là phải liên kết vùng. Tập trung nguồn lực để thực hiện đúng mục tiêu nền kinh tế động lực của cả nước. Tuy nhiên, mấy năm qua khu vực này đã không thực hiện được việc liên kết vùng. Để thực hiện khôi phục được vị trí đầu tàu, cần phải có tư duy kinh tế tỉnh phải dựa trên kinh tế vùng. Giải pháp liên quan đến vùng phải dựa trên quy hoạch. Trước mắt, chính phủ phải định hướng các chính sách, để nó tác động vào thị trường, đem lại lợi ích để thu hút doanh nghiệp thực hiện.

Theo Phó ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN Nguyễn Hồng Long, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn vừa qua, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém, thua lỗ, còn để xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước. Việc cơ cấu lại các doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, các dự án doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả ở nhiều nơi còn chậm.

Để khắc phục các hạn chế trên, Phó ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho rằng, doanh nghiệp nhà nước đã nêu cần phải đổi mới, tái cơ cấu để đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu trong thời gian tới nhà nước sẽ tách nhiệm vụ công ích ra khỏi hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị để đảm bảo doanh nghiệp nhà nước là công cụ để thúc đẩy các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân cùng phát triển./.

Chi Mai