Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng phát biểu khai mạc Diễn đàn Logistics.

Chiều 30/9, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh phối hợp Trường Đại học Hoa Sen và Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh (HLA) tổ chức Diễn đàn Logistics TP Hồ Chí Minh lần 1 năm 2022 (HCMC Log 2022).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho rằng, trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế của mình, TP Hồ Chí Minh xác định ngành Logistics là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế TP. Vai trò quan trọng đó cũng đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI xác định “Đề án Phát triển ngành Logistics TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là một trong 49 Chương trình, Đề án trọng tâm phát triển kinh tế TP.

Theo đó, TP đặt mục tiêu phải phát triển Logistics trở thành 1 ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và phấn đấu: (1) Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ Logistics của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030; (2) Tỷ trọng đóng góp của Logistics vào GRDP TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; (3) Góp phần kéo giảm chi phí Logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 - 15%.

Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho biết, sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, TP đã định hình được hướng đi và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong chuỗi kế hoạch tổng thể phát triển ngành Logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung hình thành các trung tâm Logistics, phát triển nguồn nhân lực là các nhiệm vụ then chốt trong 3 trụ cột chính phát triển ngành Logistics TP.

Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình triển khai, TP cũng nhìn nhận có 2 điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển Logistics TP, đó là vấn đề về hạ tầng logistics và phát triển nguồn nhân lực. Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, tham gia ý kiến đối với 2 vấn đề chính và cũng chính là những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của ngành logistics TP.

Cụ thể, đánh giá về thực trạng cơ sở hạ tầng logistics TP, các vấn đề về liên kết vùng trong đầu tư cơ sở hạ tầng logistics, chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quản lý nhà nước của ngành và doanh nghiệp; từ đó, đề xuất, hiến kế giúp TP các giải pháp để đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng logistics.

Đánh giá về thực trạng phát triển nguồn nhân lực ngành logistics TP và đề xuất giúp TP các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics, đặc biệt là cách thức để liên kết chặt chẽ hơn giữa hệ thống các trường đào tạo với các doanh nghiệp logsitics - nơi trực tiếp sử dụng lao động; để khi học viên, sinh viên ra trường thì đáp ứng đúng nhu cầu tuyển dụng, có thể làm việc được ngay và doanh nghiệp cũng không mất thời gian để đào tạo lại.

Bên cạnh đó, các đại biểu cần đề xuất giúp TP các giải pháp về đào tạo để nguồn lao động và các doanh nghiệp logistics nâng cao kỹ năng, thích ứng với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; từ đó nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ logistics của TP tương đương với các nước, trước hết là ngang bằng các nước châu Á.

Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng hy vọng Diễn đàn này sẽ trở thành thường niên cho các năm tiếp theo và là địa chỉ quen thuộc, tập hợp trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành để cùng bàn luận và đưa ra tiếng nói chung để ngành logistics TP ngày càng phát triển.

Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ hơn 30 bài viết có giá trị và hàm lượng khoa học, tập trung những vấn đề thời sự về Logistics và kinh nghiệm từ góc độ quản lý nhà nước và doanh nghiệp, cung cấp những thông tin hữu ích, thiết thực phục vụ công tác quản lý nhà nước nói chung và hoạt động doanh nghiệp ngành Logistics nói riêng./..

Tin, ảnh: PV