Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định: Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và nay được cụ thể hóa bởi Chương trình hành động của Chính phủ đang mở ra không gian mới, cơ hội mới và triển vọng phát triển cho vùng Đông Nam Bộ với nhiều lợi thế. Tập trung nguồn lực, nhất là hoàn thiện chính sách thật sự đột phá, thật sự đủ mạnh để tạo động lực phát triển, sớm đưa nội dung, chủ trương đúng đắn của Nghị quyết 24, các nhiệm vụ, giải pháp, công trình, chương trình, đề án của Chính phủ vào cuộc sống. Điều đó không chỉ đưa vùng Đông Nam Bộ vào một giai đoạn phát triển mới, xứng tầm với khu vực và quốc tế, mà còn đóng góp to lớn vào quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của nước ta với tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, như trong các đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW cho thấy trong những năm qua, vùng Đông Nam Bộ đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng, trong đó vai trò đầu tàu của TP Hồ Chí Minh chưa được phát huy đúng tầm. Đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong Vùng và Bộ, ngành Trung ương để giải quyết hiệu quả các điểm nghẽn trong phát triển của Vùng và Thành phố.
Với vai trò của mình, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung thay đổi mô hình phát triển bối cảnh mới, gắn kết với phát triển Vùng. Thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm vừa giải quyết những bất cập trước mắt, vừa tạo nền tảng cho việc phát triển lâu dài, từ đó tiếp tục khẳng định vị trí vai trò của Thành phố trong Vùng.
Theo đó, TP tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Thành phố đang tập trung phát triển kinh tế theo hướng phát triển các ngành dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại - du lịch - logistics quốc tế, trung tâm đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khỏe khu vực và quốc tế; tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao và giá trị gia tăng cao, rà soát chuyển đổi công năng các KCX-KCN theo hướng phát triển công nghệ cao - giá trị gia tăng cao gắn với hình thành các KCN chuyên đề (CNTT, dược - vật tư y tế, cơ khí - TĐH,...), các trung tâm ĐMST và các khu Công nghiệp – Dịch vụ - Đô thị hiện đại; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với phát triển du lịch, thể hiện rõ hơn vai trò trung tâm sản xuất giống cây trồng - vật nuôi và trung tâm chế biến sâu và XNK nông sản.
Bên cạnh đó, Thành phố đang xây dựng chính sách phát triển mạnh các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho Thành phố trong giai đoạn tới. Thành phố sẽ tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng để xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2030 với các nội dung trọng tâm theo NQ-24; trước mắt, phối hợp triển khai tốt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.Có thể nhận thấy Quy hoạch Vùng là công cụ điều phối quan trọng trong quá trình phát triển cả Vùng.
Tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách tạo động lực phát triển Thành phố trong thời kỳ mới. Làm tốt vai trò đầu mối và phối hợp với các địa phương trong Vùng triển khai các dự án giao thông kết nối vùng như: đường vành đai 3, vành đai 4, triển khai các công trình giao thông đón đầu việc khánh thành sân bay quốc tế Long thành giai đoạn 1...
Bên cạnh các công trình giao thông, Thành phố đang chủ động phối hợp với các nhà đầu tư, Bộ GTVT xây dựng đề án “Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ” theo tinh thần NQ-24 nhằm bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Đây là dự án không chỉ có ý nghĩa về lợi ích của cảng biển, mà còn nâng cao được lợi thế cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung đối với khu vực và thế giới, tạo sự hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI.
Phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố hiện đại, thông minh, năng động sáng tạo.
Tập trung nguồn lực đầu tư công và có cơ chế huy động cao nhất các nguồn lực đầu tư xã hội triển khai các công trình, dự án chỉnh trang đô thị gắn với giải quyết các vấn đề còn tồn tại như: ngập nước, ùn tắc giao thông, phát triển nhà ở thay nhà trên - ven kênh rạch, chung cư cũ, nhà lưu trú cho công nhân–sinh viên. Thí điểm triển khai đề án đảm bảo an sinh xã hội đối với một đô thị lớn. Đặc biệt, Thành phố sẽ tập trung phát triển giáo dục đào tạo chất lượng cao, đưa Thành phố thành trung tâm cung ứng nguồn nhân lực cho cả Vùng, phát triển thị trường lao động chung của Vùng.
Thành phố cam kết và sẵn sàng chủ động, phối hợp tích cực với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và vận hành cơ chế liên kết, điều phối Vùng; nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù phát triển Vùng. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác các nội dung liên Vùng như phát triển giao thông, bảo vệ các hệ thống sông, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt và y tế, các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu Vùng; hợp tác phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung Vùng về kinh tế - xã hội, làm cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển và điều phối hoạt động liên kết Vùng../.