Ảnh minh họa. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

 

Phát biểu tại buổi họp báo về Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 là hết sức cấp thiết. Nghị quyết số 54 đã thực hiện được 5 năm. Đến cuối năm 2022, TP đã tổng kết báo cáo Quốc hội đề nghị có Nghị quyết mới thay cho Nghị quyết số 54. Tuy nhiên, do chuẩn bị Nghị quyết mới chưa được đầy đủ nên Quốc hội cho kéo dài việc thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết 2023. Quốc hội cũng gợi ý TP cùng Chính phủ chuẩn bị Nghị quyết mới trình Quốc hội.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chia sẻ, với đặc thù của TP, khuôn khổ pháp luật hiện tại có những lĩnh vực, những mảng chưa thể bao quát, chi phối được hết thực tiễn đang đặt ra, đòi hỏi phải có một khung pháp lý phù hợp để vừa tháo gỡ những vướng mắc, vừa tạo ra những không gian mới để phát triển. TP đánh giá khi Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 được ban hành sẽ khắc phục được những hạn chế của Nghị quyết số 54, giúp TP tháo gỡ nhiều hơn, tạo cho TP những động lực lớn hơn, mạnh hơn để phát triển, thúc đẩy đầu tàu kinh tế.

Cuối năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, các cơ quan Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết này. Nếu như Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp tới, Quốc hội thông qua Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 thì TP đã kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 31 để tạo một khuôn khổ pháp lý triển khai.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, với những cơ chế chính sách đặt ra trong dự thảo Nghị quyết mới, với khoảng 43 nội dung cơ chế chính sách được chia ở 4 nhóm. Đó là nhóm những nội dung cơ chế chính sách đã có trong Nghị quyết số 54. Nhóm thứ 2 đã có trong các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác mà TP thấy phù hợp với TP. Nhóm 3 là những nội dung đang được đưa vào trong các luật đang sửa đổi. Nhóm 4 là nhóm nội dung mới.

“Như vậy, với số lượng 43 nội dung cơ chế chính sách ở 4 nhóm sẽ giúp TP tháo gỡ rất lớn những vướng mắc về mặt thể chế, sẽ tạo động lực cho TP phát triển, đặc biệt sẽ huy động nguồn lực xã hội ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển. Sẽ phân cấp, phân quyền cho TP kịp thời, chủ động hơn trong giải quyết các thủ tục, đặc biệt tháo gỡ cho TP Thủ Đức”. – Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết.

Nghị quyết số 54 tập trung các cơ chế chính sách tạo nguồn thu cho TP, còn dự thảo Nghị quyết mới tập trung nhiều hơn các cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; ưu đãi nhà đầu tư chiến lược.

Đến nay TP đã chủ động phân công lần đầu cho các cơ quan chuẩn bị cụ thể hóa các nội dung cơ chế chính sách để trình HĐND tại kỳ họp giữa kỳ vào tháng 7 và dự kiến kỳ họp HĐND TP chuyên đề vào tháng 9 và tháng 12 năm nay. Bên cạnh củng cố tinh thần, tâm thế là phải tập trung để cụ thể hóa Nghị quyết mới khi được thông qua ngay từ sớm thì TP cũng đã có sự phân công nghiên cứu; đồng thời, phối hợp một số cơ quan tư vấn thị trường để các cơ quan sẽ giúp xây dựng các đề án, kế hoạch để thông qua HĐND, các cấp có thẩm quyền để triển khai trong thời gian sắp tới.

Đồng chí chia sẻ, với tinh thần TP sẽ củng cố đội ngũ bộ máy, tinh thần, tâm thế và chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục trong năm 2023 để cơ bản cụ thể hóa, và 4 năm còn lại là tổ chức thực hiện nếu Nghị quyết mới được thông qua. Đây là mong muốn, còn lại thực tế chắc chắn sẽ có những phát sinh TP sẽ có những điều chỉnh thích ứng để thực hiện Nghị quyết mới đạt hiệu quả cao nhất.../.

PĐ (t/h)