Thu nhập tăng thêm – Động lực và Trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho biết điểm nổi bật sau thời gian Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh (Nghị quyết 54) chính là thực hiện Đề án tăng thu nhập cho cán bộ công chức trên cơ sở kết quả công việc đạt được hàng quý, 6 tháng và hàng năm.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến.

Trên thực tế, năng suất lao động của Thành phố cao gấp 2,7 lần năng suất lao động của cả nước, công chức Thành phố phục vụ gấp 2 lần so với mức trung bình công chức của cả nước. Vì vậy, việc áp dụng thu nhập tăng thêm nhằm tạo động lực để cán bộ, công chức Thành phố làm việc tốt hơn, phát huy sáng tạo, hiệu quả hơn, góp phần vào sự phát triển của Thành phố đồng thời qua đó thấy rằng, trách nhiệm của cán bộ công chức ngày càng tăng lên.

Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết, việc chi thu nhập tăng thêm của Thành phố trên cơ sở đánh giá kết quả công việc của từng cán bộ, từng chức danh mà cụ thể là phải làm tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với phục vụ hành chính của cơ quan nhà nước. Thành phố quán triệt rất kỹ và các đơn vị đang tiến hành công việc này. Tuy nhiên, qua rà soát 1 năm qua, Thành phố thấy rằng còn có một số đối tượng mà Thành phố phải nghiên cứu để bổ sung theo Nghị quyết 03 của HĐND Thành phố.

Theo lộ trình thực hiện, trong năm 2018, Thành phố đã tăng thu nhập cho cán bộ công chức với mức hệ số điều chỉnh tăng 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ và sắp tới đây sẽ triển khai theo hướng là tăng 1,2 lần.

Ủy quyền giúp các đơn vị chủ động hơn

Về tổ chức bộ máy, mới đây, chính quyền thành phố đã chính thức ban hành quyết định ủy quyền cho các sở/ngành, thủ trưởng các sở/ngành, UBND quận/huyện, chủ tịch UBND quận/huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. Các quyết định ủy quyền này sẽ có hiệu lực từ ngày 20-1-2019 cho đến hết ngày 31-12-2022.

Cụ thể, UBND TP. Hồ Chí Minh ủy quyền cho sở/ngành thực hiện 55 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn, tập trung vào lĩnh vực đô thị - môi trường, kinh tế - ngân sách - dự án, văn hóa - xã hội - khoa học… Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng ủy quyền cho thủ trưởng các sở/ngành, chủ tịch UBND quận/huyện 31 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn.

Theo đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, vấn đề này giúp cho các đơn vị chủ động hơn, sẽ có quyết định phù hợp, gần gũi, sâu sát với người dân nhưng đồng thời phải trách nhiệm hơn. Thông qua đó cũng nhằm đánh giá năng lực điều hành của giám đốc các sở, chủ tịch các quận, huyện. Thành phố cũng rà soát các ban quản lý, hiện nay đã sáp nhập một số ban quản lý lại để bộ máy ngày càng gọn hơn, hiệu quả hơn.

Bên cạnh điểm nhấn về đề án tăng thu nhập cho cán bộ công chức, về đề án ủy quyền thì việc tăng phí dừng đậu ôtô dưới lòng đường và thu phí bảo vệ môi trường cũng đang được Thành phố triển khai tích cực. Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố, mặc dù hiệu quả thu chưa được kết quả như mong muốn nhưng rõ ràng tình trạng đậu xe dai dẳng, dài thời gian ở lòng đường đã giảm hẳn. “Đây chính là mục đích mà Thành phố quan tâm chứ không phải số tiền thu được từ thu phí đậu xe”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến khẳng định. Tương tự, đối với việc thu phí bảo vệ môi trường cũng vậy, các doanh nghiệp đã quan tâm hơn tới việc đưa giải pháp công nghệ vào để giảm thải chất thải. Mục đích của Thành phố không phải thu được bao nhiêu tiền, mà để các doanh nghiệp thấy rằng phải có trách nhiệm đầu tư những giải pháp công nghệ vào để tăng cường xử lý không để chất thải đổ ra ngoài sông, biển.

Một số đề án khác, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho biết, Thành phố đang báo cáo Trung ương như: việc tạm ứng để Thành phố có thể tạm ứng tiền giải phóng mặt bằng cho tuyến giao thông vành đai 3 - một tuyến giao thông quan trọng, huyết mạch của Thành phố và các tỉnh lân cận; hoặc đề án bán tài sản theo nghị định số 167 để lại Thành phố để có nguồn kinh phí sử dụng cho các dự án giao thông, đồng thời Thành phố đang tiến hành đẩy nhanh cổ phần hóa.

Năm 2018 dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế Thành phố
vẫn đạt mức tăng trưởng 8,3%, thu ngân sách đạt 100,47% dự toán,
nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (Ảnh: vietnamnews.vn)

Nghị quyết 54 là một cơ chế đặc thù để giúp cho TP. Hồ Chí Minh phát triển, không giống như các địa bàn khác vì TP. Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt. Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, Thành phố cần phải tiếp tục suy nghĩ để thông qua những nội dung quan trọng hơn nữa nhằm thúc đẩy sự phát triển Thành phố trên cơ sở phát huy được nguồn lực về con người, nguồn lực đất đai và khả năng sáng tạo, chủ động của đội ngũ cán bộ Thành phố. “Đây là 3 vấn đề mà nếu chúng ta khai thác tối đa, sử dụng tối đa Nghị quyết 54 thì chúng ta có thể thúc đẩy sự phát triển của Thành phố”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho hay.

Tuy nhiên việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ thực hiện. Chính vì vậy, việc triển khai các nội dung đều phải thực hiện thận trọng, nghiên cứu kỹ, đảm bảo quy trình và thẩm quyền.

"Đặc thù của TP. Hồ Chí Minh là khối lượng công việc rất lớn, một giờ Thành phố phải giải quyết 15.000 hồ sơ do đó, áp lực đối với cán bộ công chức Thành phố là rất lớn. Việc chi thêm, tăng thu nhập cho cán bộ công chức để đánh giá đúng công việc của cán bộ công chức nhưng mặt khác những người cán bộ công chức hưởng ngân sách nhà nước trên cơ sở thu nhập tăng thêm phải thấy trách nhiệm của mình đối với xã hội, với người dân Thành phố. Những công việc cụ thể dù nhỏ nhất cũng phải chăm chút, quan tâm thực hiện, phải xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm của cán bộ công chức. Những việc dù nhỏ nhất để giúp cho người dân tiện lợi, tiện ích hơn thì người công chức cũng cần suy nghĩ để làm chứ không phải là những việc lớn như thể chế, cơ chế chính sách"- Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết.
Vương Lê