Đây là nhà máy do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy Lực - Máy và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị TP.Hồ Chí Minh phối hợp đầu tư xây dựng tại khu vực bãi rác Gò Cát, thuộc địa bàn huyện Bình Chánh.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh cho biết, bãi rác Gò Cát đã đóng cửa không tiếp nhận rác từ năm 2007. Tổng lượng rác thải tiếp nhận cho đến thời điểm đóng cửa là 5,3 triệu tấn. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị TP.Hồ Chí Minh được giao vận hành quản lý bãi rác sau chôn lấp.

Trên cơ sở tham khảo dây chuyền sản xuất điện rác tại tỉnh Hà Nam, TP.Hồ Chí Minh đã cho phép các đơn vị chức năng đầu tư xây dựng nhà máy thực nghiệm sản xuất điện rác tại Gò Cát. Hiện, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị TP.Hồ Chí Minh đang bán điện sạch từ rác cho Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh với giá 7,38cent/kWh.

Lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy Lực - Máy cho biết, để xử lý rác thành điện phải trải qua 3 công đoạn. Đó là công đoạn xử lý tiền chế, rác công nghiệp khi tập kết về sẽ được đưa vào hệ thống máy cắt, cắt đồng đều kích thước và loại bỏ kim loại có lẫn trong rác. Rác sau cắt được đưa vào hệ thống máy ép định hình thành viên nhiên liệu RDF. Công đoạn 2 sẽ chuyển viên nhiên liệu dạng rắn sang dạng khí tổng hợp (syngas) và than carbon (than sạch). Cuối cùng là công đoạn chuyển toàn bộ lượng khí tổng hợp và than carbon làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong phát điện và hòa lưới điện quốc gia.

Vận hành trong nhà máy sản xuất điện từ rác ở TP.Hồ Chí Minh (Nguồn: SGGP)

Do là dây chuyền tự động, khép kín, quá trình nhiệt hóa kín thiếu oxy nên không phát thải thứ cấp. Sản phẩm sau rác là năng lượng xanh - điện rác, mang lại lợi nhuận kinh tế và lợi ích môi trường. Tính cho đến thời điểm hiện tại, nhà máy này đã xử lý hơn 500 tấn rác thải công nghiệp và sản xuất 7MW điện hòa vào lưới điện quốc gia.

Ưu điểm nổi bật của giải pháp công nghệ đang được áp dụng tại ba tổ máy phát điện Gò Cát là không gây ô nhiễm đất, không khí và nước bằng cách thiết lập công trường xử lý rác có kiểm soát theo tiêu chuẩn IMC (Cách ly - Quản lý - Kiểm soát), thu gas từ các nguồn rác chôn và chuyển nó thành năng lượng điện. Phương pháp cách ly, quản lý và kiểm soát rác để tránh ô nhiễm ở đây bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Mỗi ngày, bãi rác Gò Cát tiếp nhận khoảng 3.000 tấn rác sinh hoạt của TP Hồ Chí Minh. Toàn bộ bãi rác rộng 17,5 ha được chia làm 5 ô. Rác thải được chôn trong các ô chôn lấp có chiều sâu hơn 7m, có lót vật liệu chống thấm HDPE với độ bền hơn 50 năm.

Lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy Lực - Máy cũng đã đề xuất Uỷ ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh cho phép đầu tư mở rộng dự án sản xuất điện từ rác thải sinh hoạt với công suất xử lý 1.000 tấn rác sinh hoạt/ngày. Với việc xử lý rác để tái tạo năng lượng như trên, vừa giải quyết được lượng rác thải đã và đang chôn lấp, vừa cung cấp lượng điện xanh, thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị kinh tế môi trường đạt được.

Được biết, hiện trung bình mỗi ngày TP.Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 1,5 triệu tấn rác công nghiệp và 8.300 tấn rác sinh hoạt. Lượng rác này sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới cùng với tốc độ gia tăng dân số và phát triển kinh tế của thành phố. Chủ trương của Thành phố là phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường. Chỉ tiêu đặt ra của Thành phố là đến năm 2020, là phải giảm được 50% lượng rác thải chôn lấp./..

K.V