Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu. (Ảnh: Lê Thoa)
Tham dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; cùng đông đảo các đồng chí nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ các thời kỳ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.
Phát biểu đề dẫn khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, ngày 29/12/1978, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VI ban hành Nghị quyết phê chuẩn huyện Duyên Hải, tỉnh Đồng Nai sáp nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một bước ngoặt trọng đại, là dấu ấn sâu sắc đối với người dân huyện Duyên Hải - Cần Giờ nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.
Huyện Duyên Hải (Cần Giờ) với xuất phát điểm là một căn cứ quân sự tiền tiêu, giao thông đi lại chủ yếu là đường thủy, chỉ có 13km đường, vùng dân cư nghèo nàn, không có điện…Nhưng với truyền thống bất khuất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Duyên Hải (Cần Giờ), cùng với sự chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, sự tiếp sức của Trung ương, Cần Giờ bắt tay vào công cuộc xây dựng, phát triển mới. Từ một huyện nghèo nàn, lạc hậu, Cần Giờ nay đã từng bước phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực.
Trong 40 năm qua, nhiều thành tựu nổi bật đã được triển khai làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, xã hội của huyện Cần Giờ. Đặc biệt là công trình khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ; phủ lưới điện quốc gia trên toàn địa bàn; xây dựng hệ thống đê biển, đê sông, các công trình ngăn sạt lở; kết nối Cần Giờ và nội thành Thành phố bằng đường bộ hiện đại… Đáng chú ý, năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam, nằm trong mạng lưới 368 khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, những thành tựu đạt được là rất đáng tự hào, tuy nhiên, so với tiềm năng và triển vọng, Cần Giờ cần được tổng kết, đánh giá, phân tích những thuận lợi, khó khăn, để có những chủ trương, định hướng đúng đắn tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian sắp tới.
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: MK)
Tại Hội thảo, 80 tham luận và nhiều ý kiến của các đại biểu đã đánh giá ý nghĩa lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của huyện Cần Giờ trong suốt 40 năm qua, đặc biệt nhấn mạnh các nội dung như chủ trương đưa huyện Cần Giờ (Duyên Hải) về lại Thành phố Hồ Chí Minh; kết quả của các chủ trương, trong xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ. Đặc biệt, các ý kiến đã đề ra nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng phát triển Cần Giờ ngày càng nhanh, bền vững.
Trong đó, các đại biểu đề xuất thành phố và chính quyền huyện Cần Giờ nghiên cứu kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế trên cơ sở nghiên cứu "Văn hóa biển"; phát triển kinh tế gắn liền với những giá trị lịch sử, truyền thống anh hùng cách mạng với văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển. Đặc biệt, cần định hướng quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội nhất thiết phải giữ gìn, đề cao danh hiệu Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam. Đó là tài sản chung của nhân loại phải được gìn giữ, tôn tạo cho muôn đời…/.