Do còn gặp khó khăn về nguồn ngân sách nên Thành phố cần huy động khoảng 128.700 tỷ đồng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu từ nay đến năm 2020.

Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, TP.Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của từng lĩnh vực và của địa phương đồng thời nâng cao vai trò quản lý nhà nước để tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư; thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện xã hội hóa hiệu quả, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện và bền vững của Thành phố.


Một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Theo đó, TP.Hồ Chí Minh cũng sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên các lĩnh vực xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ở xã hội - tái định cư, công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật (giao thông, giảm ngập, môi trường, cấp nước sạch, cấp điện), hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội), thương mại, khoa học và công nghệ, khí tượng thủy văn, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu nông nghiệp, khu công nghệ cao, hạ tầng công nghệ thông tin. Đồng thời tiến hành chuyển đổi một số cơ sở thuộc loại hình công lập sang ngoài công lập để tập thể và cá nhân quản lý, hoàn trả vốn cho nhà nước và đẩy mạnh cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Một trong những lĩnh vực xã hội hóa để tạo nguồn cải tạo hoặc xây dựng mới được TP.Hồ Chí Minh quan tâm là các công trình giao thông đường bộ, lập các điểm dừng chờ cho người bộ hành qua đường…, đồng thời nghiên cứu các giải pháp, cơ chế xã hội hóa để tạo nguồn đầu tư nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới các công trình hạ tầng giao thông đường bộ. Lắp đặt hàng rào dọc vỉa hè tại các khu vực nút giao, khu vực vỉa hè mà phương tiện thường xuyên lưu thông, dừng đỗ trái phép tại các vị trí tập trung đông người…

Thành phố khẩn trương công bố quy hoạch Xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức triển khai tốt các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 tại Quyết định 101/QĐ-TTg ngày 22/1/2007, làm căn cứ để thu hút, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ và đồng bộ dây chuyền sản xuất; kết hợp đầu tư mới, thay đổi cơ cấu sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ cho xuất khẩu và thị trường nội địa, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; cơ cấu lại các ngành dịch vụ, các ngành sản xuất theo hướng đầu tư vào chiều sâu để tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao; kết hợp các loại quy mô đầu tư, các thành phần kinh tế trong đầu tư để vừa phát huy năng lực đang có, vừa khai thác những tiềm năng lợi thế của thành phố…/.

Nguyễn Sơn