Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2018 với chủ đề “Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển TP.Hồ Chí Minh nhanh và bền vững”, diễn ra ngày 21/4.
Cùng tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh; đại diện các bộ, ngành liên quan; hơn 350 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào sự phát triển của kinh tế - xã hội TP.Hồ Chí Minh trong những năm qua.
Năm 2017, tốc độ tăng trưởng của TP.Hồ Chí Minh đạt 8,25%, gấp 1,25 lần cả nước, lần đầu tiên quy mô nền kinh tế vượt ngưỡng 1 triệu tỉ đồng. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2017 đạt 6,6 tỷ USD, tăng hơn 90% so với năm 2016, từ chỗ chỉ chiếm 13% cả nước năm 2016, đến năm 2017 chiếm 18,4% của cả nước. Từ đầu năm đến hết tháng 3/2018, Thành phố đã thu hút được 1,37 tỷ USD vốn FDI (cả nước là 5,8 tỷ USD). Nhờ những sự nỗ lực của Thành phố trong cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính mà thu hút FDI trong 2 năm 2016 và 2017 đã bằng với 5 năm trước đó.
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, hiện Thành phố đang gặp những khó khăn, thách thức về hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường, áp lực lớn về quá tải bệnh viện, trường học và nhà ở do dân số tăng quá nhanh. Đồng thời, Thành phố cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nguy cơ ngập nước nghiêm trọng đã gây cản trở cho sự phát triển bền vững của Thành phố, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài có thể hợp tác với Thành phố để giải quyết những thách thức này.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân với đại diện các doanh nghiệp dự Hội nghị.
Chia sẻ với các doanh nghiệp tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm 2018 là một năm có ý nghĩa, năm đầu tiên Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh. Với tinh thần này, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế sáng tạo và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được tiến hành chủ yếu bằng hình thức tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch.
Năm 2018 cũng là năm Thành phố triển khai Đề án “Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Thành phố đã quy hoạch “khu đô thị sáng tạo” gồm 3 quận phía Đông là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức căn cứ trên những lợi thế sẵn có. “Khu vực này hiện có 1 triệu dân và trong tương lai sẽ nâng lên 1,5 - 2 triệu người. TP.Hồ Chí Minh muốn xây dựng khu đô thị sáng tạo thành hạt nhân của sự phát triển công nghệ cao, của cuộc cách mạng 4.0 và trong tương lai trở thành đầu tàu để phát triển TP.Hồ Chí Minh, là trung tâm thông minh nhất của TP.Hồ Chí Minh”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Khẳng định luôn đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "TP.Hồ Chí Minh sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, coi sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thông số đo lường hiệu quả của khu vực công, cải cách hành chính…”.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp đến với TP.Hồ Chí Minh bằng khối óc (là công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến) và trái tim (là chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp), để cùng với Thành phố thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Tại Hội nghị, vấn đề xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đều mong muốn hiến kế, chung sức xây dựng Thành phố thông minh.
Ông John Rockhold, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham) đánh giá sự cần thiết về xây dựng Thành phố thông minh tại TP.Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng Thành phố thông minh.
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Euro Cham) cũng cam kết hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Thành phố thành nơi đáng sống. Hiệp hội cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu trong việc giải quyết các vấn đề đô thị hóa, kẹt xe, ngập nước...Các doanh nghiệp châu Âu mong TP.Hồ Chí Minh hoạch định chính sách cởi mở, minh bạch và hướng đến phát triển bền vững.
Ông Michele D'Erocole, Chủ tịch Phòng Thương mại Ý (Icham) tại Việt Nam cũng đánh giá cao Đề án xây dựng Thành phố thông minh của TP.Hồ Chí Minh, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của Ý tại Thành phố Milan và cảng Genoa. Ông Michele D'Erocole góp ý, chính quyền TP.Hồ Chí Minh khi lựa chọn phương án xây dựng phát triển đô thị cần xem xét nhu cầu hiện tại cũng như tương lai của người dân.