Mô hình trồng rau sạch ở Củ Chi. (Ảnh: Lê Nguyễn)

Từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến cuối năm 2016, TP.Hồ Chí Minh đã huy động nguồn lực thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đạt hơn 11.162 tỷ đồng. Đặc biệt, nguồn huy động từ cộng đồng hơn 2.259 tỷ đồng. Nhiều hộ dân khu vực nông thôn đã tự nguyện hiến đất để làm đường, xây dựng hạ tầng hơn 1.455 tỷ đồng. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt hơn 41,4 triệu đồng/người/năm.

Giai đoạn 2016 - 2020, TP.Hồ Chí Minh sẽ đầu tư hơn 40.600 tỷ đồng để nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, 40,3% là vốn ngân sách với trên 16.300 tỷ đồng, còn lại là vốn từ cộng đồng, doanh nghiệp, tín dụng. 

Đến nay, tổng số xã được UBND.TP Hồ Chí Minh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới lên 54/56 xã và 3/5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đây được xem là bước chuyển biến rõ nét, nhờ vào chủ trương phát huy nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp và các thành phần khác.

TP.Hồ Chí Minh cũng đã chính thức triển khai đề án nâng cao chất lượng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2019 có 100% xã ngoại thành đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới và đến năm 2020 có 5/5 huyện được Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng khẳng định, xây dựng nông thôn mới không phải để chỉ đạt danh hiệu mà đây là một quá trình, phải được thực hiện liên tục. Quá trình này cũng không được nóng vội, không xây dựng bằng mọi giá bằng cách huy động quá sức dân mà phải bền vững theo đặc thù vùng nông thôn tại thành phố. Trong đó, xây dựng nông thôn mới phải gắn với quy hoạch phát triển sản xuất. Thành phố sẽ có cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nguồn lực doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước.

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2016 và phương hướng thực hiện năm 2017, phát động phong trào “cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, với phương châm phát huy xã hội hóa, thành phố khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Theo các chuyên gia, để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, TP Hồ Chí Minh cần phát huy lợi thế vùng. Đặc thù của vùng nông thôn thành phố là đất không rộng nhưng dân số lại đông và nhiều hộ kinh doanh cá thể. Chính vì vậy, muốn có bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới phải tổ chức lại sản xuất, tiến tới xây dựng chuỗi giá trị./...

K.V - Lê Nguyễn