Vị thế của vùng TP.Hồ Chí Minh trong kết nối vùng
Theo chuyên gia Trần Ngọc Bình, Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, vùng TP.Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn hàng đầu của quốc gia và có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế, là trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính hàng đầu cả nước, là vùng có cơ sở hạ tầng tốt nhất, có tỉ lệ đô thị hóa cao nhất nước. Vùng TP.Hồ Chí Minh có vị trí địa lý – kinh tế chính trị đặc biệt, kết nối với tuyến hàng hải quốc tế quan trọng Đông – Tây, nối liền các vùng kinh tế lớn trên thế giới, nằm trên các trục kinh tế đô thị quốc gia và quốc tế như đường sao tốc Bắc – Nam và quốc lộ 1, cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải, QL51, QL22 đi Phnôm Pênh, QL13 đi Campuchia, QL14 kết nối với vùng Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bến Metro Bến Thành-Suối Tiên dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TP.Hồ Chí Minh dần đi vào hoàn thiện
(Ảnh: NS)
Là cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng Nam Bộ và quốc gia thông qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành trong tương lai, hệ thống cảng biển quốc tế nhóm V trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Vải, sông Soài Rạp, sông Nhà Bè. Vùng TP.Hồ Chí Minh có 203km bờ biển và khoảng 613 km đường biên giới Việt Nam-Campuchia, cùng với hệ thống cửa khẩu quốc tế dọc biên giới kết nối với vùng sông Mekong mở rộng thông qua các cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát, Hoa Lư, Bình Hiệp.
Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 do Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam (Bộ Xây dựng) và nhóm chuyên gia công ty tư vấn Insar (Cộng hòa liên bang Đức) triển khai nghiên cứu hệ thống đô thị và tổ chức không gian của vùng TP.Hồ Chí Minh được xác định, hệ thống đô thị của vùng phân bố theo mô hình hạt nhân đô thị trung tâm vùng và vùng đô thị trung tâm; các đô thị hạt nhân theo các cực tăng trưởng trọng điểm ở vùng ngoại vi gắn với chuỗi hành lang đô thị.
Tổ chức không gian vùng đô thị ở đây, bao gồm vùng đô thị nén tập trung bao, trong đó có vùng đô thị trung tâm gồm hạt nhân là TP.Hồ Chí Minh và các vùng đô thị phía Tây Bắc, phía Bắc và phía Đông trong vùng bán kính 30-40km và vùng đô thị các cực phát triển trọng điểm, cực phát triển trọng điểm phía Đông nam trung tâm là TP.Vũng Tàu, cực phát triển phía Đông trung tâm là đô thị Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, cực phát triển phía Bắc trung tâm là đô thị Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và cực phát triển phía Tây Bắc trung tâm là thành phố Tây Ninh, cực phát triển phía Tây Nam là TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Vùng đô thị phân tán ở ngoại vi phía Bắc, Đông Bắc và phía Đông, bao gồm vùng đô thị Phước Bửu-Hồ Tràm, Ngãi Giao-Kim Long (Bà Rịa-Vũng Tàu); vùng đô thị Định Quán-Tân Phú (Đồng Nai); vùng đô thị Lộc Ninh-đô thị của khẩu Hoa Lư, Thị xã Phước Long-đô thị Phú Nghĩa (Bình Phước) và vùng đô thị cửa khẩu Xa Mát-Tân Biên, đô thị Dương Minh Châu-Tân Hưng-Tân Châu (Tây Ninh).
Những giải pháp trước mắt và lâu dài đến năm 2030
Để đáp ứng được với yêu cầu phát triển trong tương lai, hệ thống hạ tầng giao thông vận tải cần được ưu tiên đầu tư phát triển để làm cơ sở, động lực quá trình phát triển kinh tế xã hội và giải quyết được các vấn đề như định hướng phát triển giao thông vùng TP.Hồ Chí Minh phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của vùng, chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải của quốc gia, các địa phương có liên quan và quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Hệ thống giao thông thủy góp phần quan trọng trong lĩnh vực vận tải Vùng TP.Hồ Chí Minh
(Ảnh: NS)
Đồng thời, phải phát huy lợi thế về vị trí chiến lược và điều kiện tự nhiên của vùng có vị trí đầy đủ các phương thức vận tải với năng lực vận chuyển lớn nhất cả nước. Tăng cường hiệu quả khai thác triệt để năng lực kết cấu hạ tầng hiện có, tránh đầu tư tràn lan hiệu quả kém, lãng phí; chú trọng công tác bảo trì; tập trung đầu tư đồng bộ các công trình quan trọng, cần thiết có vai trò động lực phát triển kinh tế, ưu tiên các công trình kết nối vùng và giải quyết ùn tắc giao thông. Phát triển giao thông đồng bộ, đảm bảo tính liên hoàn giữa các phương thức vận tải. Ưu tiên đầu tư các công trình giao thông có tính kết nối hệ thống, phát triển vận tải phải gắn liền với các trung tâm tiếp vận, các dịch vụ hỗ trợ vận tải, chuỗi dịch vụ logistics. Đẩy mạnh phát triển giao thông đô thị, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị, nhất là TP.Hồ Chí Minh; phát triển giao thông nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới.
Cùng với đó là hỗ trợ phát triển các thế mạnh vốn có của vùng như vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy và xây dựng mạng lưới đường sắt quan trọng nhằm chuyển dịch cơ cấu vận tải sang các phương thức vận chuyển khối lượng lớn là đường sắt, đường thủy. Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; kiềm chế tiến tới giảm thiểu tai nạ giao thông và chủ động ứng phó có hiệu quả đối với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển hệ thống giao thông bền vững, giảm thiểu những tác động đến môi trường, tương thích với nguy cơ giá nhiên liệu tăng cao, biến đổi khí hậu và ngập lụt.
Cũng theo chuyên gia Trần Ngọc Bình, Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng), phát triển giao thông vận tải đường bộ hợp lý, đồng bộ và bền vững trong một quy hoạch thống nhất có phân công, phân cấp và hợp tác, liên kết giữa các phương thức vận tải, phù hợp với điều kiện địa lý nhằm kết nối các đô thị trong vùng, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt và có hiệu quả.
Theo đó phải từng bước hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc, đường xuyên Á và các tuyến đường vành đai trong khu vực như: cao tốc Bắc- Nam (phía Bắc và phía Nam vùng); Biên Hòa – Vũng Tàu; TP. Hồ Chí Minh-Chơn Thành- Hoa Lư; TP.Hồ Chí Minh- Mộc Bài; Dầu Giây- Đà Lạt; Đường Hồ Chí Minh và các tuyến vành đai 2,3.
Cùng với đó là việc hoàn thành nâng cấp, đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống quốc lộ hiện có; nâng cấp một số tuyến tỉnh lộ lên quốc lộ, xây dựng mới tuyến đường Đồng Phú-Bình Dương. Xây dựng hoàn thiện các tuyến đường chức năng: Đường hành lang biên giới; tuyến đường bộ ven biển; đường liên cảng Cái Mép Thị Vải; đường liên cảng Đồng Nai; đường Mỹ Phước –Tân Vạn; đường Gò Găng -Long Sơn.
Ngoài ra, phải tận dụng và phát huy tối đa điều kiện tự nhiên, xã hội của khu vực để phát triển giao thông thủy. Phát triển cảng biển gắn với việc kết nối đồng bộ các hi tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Kết hợp phát triển hài hòa các bến cảng chuyên dùng hàng rời, hàng lỏng, hàng nông sản,… để đáp ứng thông qua các loại hàng hóa của toàn khu vực. Việc phát triển cảng cần đảm bảo yếu tố bền vững, trong đó gắn phát triển cảng biển với việc bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh thái thiên nhiên và không gây tác động xấu đến các hoạt động xã hội dân sinh trong khu vực.
Cùng với hệ thống giao thông thủy, bộ, phát triển hệ thống giao thông đường sắt trong vùng cũng phải được quan tâm đầu tư, đó là các tuyến đường sắt quốc gia hướng tâm, tuyến đường sắt vành đai, các tuyến đường sắt chuyên dụng nối xuống hệ thống cảng biển, ga khách trung tâm, các ga hàng hóa, ga lập tàu khách, ga lập tàu hàng, kết nối vùng với Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên, cả nước và quốc tế.
Đối với lĩnh vực hàng không, phải nhanh chóng nâng cấp cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu trong từng thời kỳ. Từng bước đầu tư xây dựng mới cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành trở thành cảng hàng không quốc tế lớn trong khu vực. Đặc biệt, nâng cấp cảng hàng không nội địa Côn Sơn và xây dựng cảng hàng không Vũng Tàu tại Gò Găng là sân bay chuyên dụng.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, công trình ưu tiên đầu tư tại khu vực này phải đặc biệt quan tâm đến hệ thống giao thông vận tải. Theo đó, để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, kém hiệu quả, cần phải tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng những công trình trọng điểm nhằm giải quyết yêu cầu kết nối đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, làm động lực phát triển kinh tế xã hội cho vùng, giai đoạn đến 2030./..