Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản” - Ảnh: PC Ngày 7/9, tại TP Hồ Chí Minh, Quỹ Châu Á phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn (thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn) tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản”.
Đây là nội dung nằm trong dự án “Hỗ trợ Nông sản Việt Nam xây dựng nhận diện thương hiệu toàn cầu” triển khai thí điểm trên chuỗi thanh long xuất khẩu sang thị trường Australia, do Chính phủ Australia tài trợ thông qua Quỹ Châu Á. Vào tháng 9/2017, những lô hàng thanh long đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sang Australia đánh dấu bước tiến mới của ngành nông nghiệp trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ của trái thanh long. Đây cũng là thời điểm dự án này được triển khai, nhằm hỗ trợ nông dân và các tác nhân tham gia trong chuỗi xuất khẩu thanh long của Việt Nam xây dựng và phát triển thương hiệu, hình ảnh cũng như cung cấp cho khách hàng các thông tin cần thiết trong suốt quá trình từ sản xuất tới tiêu dùng thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc trên công nghệ blockchain. Phát biểu tại Hội thảo, ông Robin Bednall, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, đây là dự án hướng tới sự phát triển nông nghiệp bền vững và hoàn toàn có thể nhân rộng, mở rộng trong nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Bởi lẽ, công nghệ blockchain có tiềm năng phát triển rất lớn, có thể đảm bảo vấn đề an ninh mạng cao và giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng. Trong khi đó, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang là xu hướng đòi hỏi tất yếu của người tiêu dùng cũng như các thị trường nhập khẩu hiện nay. Giới thiệu dự án “Ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản”, bà Nguyễn Thu Hằng, Quản lý chương trình Dự án, Quỹ Châu Á tại Việt Nam cho biết, thông qua ứng dụng này, người tiêu dùng sẽ được cung cấp các thông tin cần thiết trong suốt quá trình từ sản xuất tới tiêu dùng, góp phần tăng cường niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng và độ an toàn của sản phẩm. Đồng thời, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước minh bạch hóa thông tin của các chủ thể trong chuỗi; giúp Chính phủ có cái nhìn rõ ràng hơn về các hoạt động của thị trường. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản còn giúp các chủ thể trong chuỗi cung ứng phân tích kết quả kinh doanh nhằm đưa ra quyết định kinh doanh đúng đắn cũng như tích hợp các báo cáo về chứng nhận chất lượng sản phẩm. Các đại biểu dùng thử phần mềm truy xuất nguồn gốc thông qua công nghệ blockchain trên trái thanh long - Ảnh: PC Để có kết quả này, dự án đã triển khai khảo sát chi tiết chuỗi cung ứng thanh long của 2 công ty được cấp phép xuất khẩu thanh long sang Australia. Sau đó, dự án đã làm việc với các đối tác để xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc (đối với cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu) cho trái thanh long xuất khẩu sang thị trường Australia. Theo đó, các tác nhân khác tham gia vào chuỗi, bao gồm người tiêu dùng, người bán lẻ và nhà nhập khẩu có thể tra cứu hệ thống để truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà họ mua, bao gồm các thông tin về an toàn thực phẩm và các chứng nhận mà người sản xuất nhận được. Bởi, mỗi một sản phẩm này đều có một chứng minh thư điện thư cho phép người sử dụng tìm và truy xuất thông tin về nguồn gốc, kiểm định chất lượng và quyền sở hữu… Tại Hội thảo, để ứng dụng tốt công nghệ truy xuất nguồn gốc cho trái thanh long xuất khẩu, các đại biểu cho rằng cần tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ hơn nữa những lợi ích khi ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nông dân cũng như cán bộ của các công ty xuất khẩu tham gia dự án để việc vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua công nghệ blockchain được thuận lợi trong thời gian tới./. |