Sáng 17/7, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo "Xây dựng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế".

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Cùng dự có Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cùng các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, tài chính trong và ngoài nước...

Khoảng 100 đại biểu là các nhà lãnh đạo Trung ương, Thành phố
và các chuyên gia kinh tế, tài chính tham dự Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, vai trò của thị trường tài chính ngày càng được khẳng định, được xem là kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế và giảm dần sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào vốn vay ngân hàng. Tại TP Hồ Chí Minh, thị trường tài chính đã có những tiền đề quan trọng để tăng trưởng. Đến nay, ngành tài chính tăng trưởng bình quân 8,8%/năm và chiếm tỷ trọng 5,7% GRDP của TP Hồ Chí Minh. Ngành tài chính giúp Thành phố huy động khoảng 460.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, thị trường tài chính của Thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể hình thành nên một trung tâm tài chính để đáp ứng nhu cầu của 13 triệu dân Thành phố và hàng triệu khách quốc tế.

Nhấn mạnh, đây là Hội thảo quan trọng, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp để Thành phố xác định hướng đi phù hợp trong thời gian tới. Đồng thời tin tưởng, Hội thảo sẽ giúp TP Hồ Chí Minh có những tham mưu đề xuất với các cơ quan Trung ương ban hành, sửa đổi những quy định để góp phần hoàn chỉnh thị trường tài chính tại TP Hồ Chí Minh.

Tại Hội thảo, đã có nhiều ý kiến của các nhà đầu tư, các chuyên gia đánh giá, nhận định cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình thực tiễn đồng thời gợi ý giải pháp cho TP Hồ Chí Minh.

Các đại biểu cũng thống nhất rằng, TP Hồ Chí Minh có nhiều tiền đề quan trọng để đẩy mạnh lĩnh vực này và từng bước phát triển thành trung tâm tài chính phục vụ khu vực, quốc gia và dần bước ra thế giới. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng băn khoăn tại sao tới thời điểm này, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa trở thành trung tâm tài chính của khu vực?

 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu bên lề Hội thảo.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng, việc thiếu cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao… là những trở ngại khi thực hiện đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế.

Nhiều ý kiến kiến nghị, Trung ương cần tạo điều kiện, có cơ chế hoạt động, ưu tiên đầu tư cho TP Hồ Chí Minh. TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề quốc gia, là chủ trương của Chính phủ và TP Hồ Chí Minh chuẩn bị vai trò, chức năng hỗ trợ trong phạm vi Thành phố. TS Trần Du Lịch cho rằng, gần đây dường như ý tưởng xây dựng trung tâm tài chính TP Hồ Chí Minh theo định hướng của Bộ Chính trị ít được nhắc và càng mờ nhạt trong chính sách. Do đó, ông đề nghị nên tiếp tục định hướng xây dựng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc gia, hướng tới khu vực và quốc tế, đồng thời phải thể hiện trong chủ trương, chính sách và khuôn khổ pháp lý từ Trung ương. Đây là một điều kiện quan trọng để TP Hồ Chí Minh xác lập vị trí, vai trò của một trung tâm tài chính của quốc gia và hướng tới khu vực.

Các đại biểu cũng nêu ra giải pháp là TP Hồ Chí Minh cần chú trọng kết hợp giữa tài chính và công nghệ, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển trên toàn cầu và sự thay đổi hành vi tiếp cận các giao dịch trực tuyến của khách hàng. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng cần tăng cường chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường khác, xây dựng hệ sinh thái thương mại mở, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, theo kịp xu thế hội nhập đồng thời xây dựng hạ tầng bảo mật tối ưu…

 

Lãnh đạo Thành phố và các đại biểu chụp hình lưu niệm sau Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã cảm ơn và tiếp thu ý kiến tâm huyết của các đại biểu, để từ đó, Thành phố lựa chọn những phương án, giải pháp tốt nhất, đồng thời có những kiến nghị về mặt chủ trương, chính sách để chuẩn bị cho việc xây dựng Đề án phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Khẳng định định hướng xây dựng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là cần thiết, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, điều đó trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước và sau là của Thành phố. Thành phố sẽ quyết tâm triển khai. Đây là cơ hội và để nắm được cơ hội phát triển, hiện thực hóa mục tiêu, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai một loạt chương trình, hoạt động trong thời gian tới.

Cụ thể, Bí thư Thành ủy đề nghị Thành phố cần đẩy mạnh cải cách hành chính, bởi nếu không làm tốt lĩnh vực này thì không thể làm trung tâm tài chính được. Cải cách hành chính phải hướng tới hiệu quả, làm sao người dân và doanh nghiệp phải thật sự hài lòng. Cùng với đó, Thành phố cần đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh, đẩy mạnh nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và ứng dụng từng bước. Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông; tăng tốc chương trình chống ngập, dự kiến đến năm 2025 vấn đề chống ngập của Thành phố sẽ có nhiều cải thiện đáng kể. Hiện nay, vấn đề quy hoạch đô thị của Thành phố còn lạc hậu và thiếu đồng bộ, Bí thư Thành ủy cho rằng, Thành phố cần phải hiện đại hóa quy hoạch đô thị. Song song đó, phải tiếp tục đẩy mạnh các chương trình khởi nghiệp sáng tạo, trong đó quan tâm tới các chương trình khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ tài chính.

 

Hiện nay, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, có 4 lĩnh vực Thành phố đang nghiên cứu và phấn đấu đạt trình độ chuẩn quốc tế: lĩnh vực đào tạo, dịch vụ y tế, môi trường kinh doanh và phấn đấu là một trong 2 địa phương đi đầu thực hiện phủ sóng 5G toàn Thành phố. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để phát triển Thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu trong tháng 10/2019 Thành phố phải hoàn thiện xong đề án, đề cương chi tiết. Giải pháp phần mềm xong sẽ báo cáo HĐND, Thành ủy và sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó sẽ xem xét phương án hoàn chỉnh thiết kế về phần cứng, hạ tầng, vị trí, cơ cấu các khu, trục./.

Tin, ảnh: V.Lê