Theo lộ trình mở cửa du lịch mà Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã xây dựng, từ đầu tháng 11 đến ngày 31/12, TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức bước vào giai đoạn 2 - mở lại các hoạt động du lịch nội vùng theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương, chủ yếu tại vùng xanh.
Cùng với đó, nhằm hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ du lịch để quảng bá, xúc tiến và khai thác các chương trình du lịch của TP Hồ Chí Minh trong điều kiện thích ứng an toàn với COVID-19, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và đại diện các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã cùng tham gia chương trình trải nghiệm du lịch “Thành phố xanh bên dòng sông Sài Gòn”.
Theo đó, Đoàn xuất phát từ bến Bạch Đằng, di chuyển bằng buýt đường sông, đi qua các bến Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông. Được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2017, đến nay, buýt sông đã trở thành một hình thức di chuyển được đông đảo người dân và du khách yêu thích vì tiện nghi đầy đủ, vừa di chuyển vừa ngắm cảnh thuận tiện, tránh được kẹt xe, khói bụi, ồn ào,...
Ông Lê Tấn An - Phó ban quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, cho biết trước đây khu công viên và đền tưởng niệm chủ yếu phục vụ khách viếng thăm là đoàn tham quan hoặc học sinh-sinh viên, lượt khách rất khiêm tốn. Ban quản lý hy vọng, thông qua chương trình khảo sát này, Công viên sẽ thu hút thêm nhiều khách du lịch trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, đề nghị ban quản lý Công viên và Khu tưởng niệm các Vua Hùng phải từng bước chuẩn bị hoàn thiện các phương án, dịch vụ đón khách, các gói tour để đưa sớm đưa vào khai thác.
“Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh sẽ cùng bàn bạc cùng các doanh nghiệp du lịch, lữ hành; các nhà khoa học; chuyên gia du lịch; nhà dân tộc học để lên phương án triển khai để đưa Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc và Đền tưởng niệm các Vua Hùng trở thành những địa điểm du lịch đặc sắc có ý nghĩa lịch sử của TP Hồ Chí Minh”, bà Hoa nói.
Sau đó, đoàn khảo sát đã ghé thăm Bảo tàng Áo dài (phường Phước Long). Đây là công trình độc đáo lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, hồn cốt của trang phục áo dài phụ nữ Việt Nam hòa quyện với không gian yên bình, xanh mát. Tại đây, đoàn cũng đã được trải nghiệm các hoạt động mang đậm chất dân dã như đổ bánh xèo, nướng chuối, xếp hình bằng lá dừa, thưởng thức làn điệu nghệ thuật hát ru…
Điểm tham quan cuối cùng của đoàn khảo sát là Chùa Bửu Long (phường Long Bình). Được thành lập vào năm 1942, chùa Bửu Long còn có tên gọi khác là thiền viện Tổ Đình Bửu Long, là ngôi chùa có kiến trúc Thái Lan nổi bật nhất TP Hồ Chí Minh. Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo này là nơi tham quan, lễ Phật yêu thích của nhiều người dân thành phố và các vùng lân cận.
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc truyền thông TST Tourist, việc khảo sát lần này nhằm cung cấp tour du lịch mới hơn, đáp ứng được nhu cầu du lịch của người dân trong tình hình hiện nay. Thời gian tới, chỉ cần người dân TP Hồ Chí Minh tăng cường sử dụng các sản phẩm dịch vụ đan chéo nhau như buýt đường sông, nhà hàng, khách sạn… sẽ giúp phục hồi đáng kể cho ngành du lịch thành phố.
Dưới đây là một số hình ảnh trải nghiệm du lịch TP Hồ Chí Minh:
|
|
Đoàn check-in tại bến Bạch Đằng. (Ảnh: PV) |
|
|
Đoàn checkin tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng.(Ảnh: PV) |
|
|
Di chuyển bằng phương tiện xe đạp đến Bảo tàng Áo dài.(Ảnh: PV) |
|
|
Nhân viên của bảo tàng đang hướng dẫn du khách cách xếp hình bằng lá.(Ảnh: PV) |
|
|
Một sản phẩm thủ công bằng lá dừa.(Ảnh: PV) |
|
|
Lối vào chùa Bửu Long.(Ảnh: PV) |
|
|
Cận cảnh tòa bảo tháp Gotama Cetiya rực rỡ, uy nghi.(Ảnh: PV) |