Cùng với đó, trên địa bàn Thành phố còn có 11 cơ sở giết mổ lợn với số lượng giết mổ bình quân hàng đêm là từ 6.500 đến 7.000 con lợn/ngày, trong đó nguồn lợn nhập vào thành phố giết mổ chủ yếu từ các tỉnh như Đồng Nai (47,27%), Bình Dương (17,88%), Bà Rịa Vũng Tàu (10,95%), Bình Phước (7,29%), Tây Ninh (2,99%), Bình Thuận (2,52%)… 

Có thể thấy, diễn biến của bệnh dịch tả lợn Châu Phi thời gian qua là rất phức tạp, chính vì vậy, ngành Nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các sở ngành, quận huyện và đơn vị liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo các chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Theo đó, Ngành đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức nhiều buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan, doanh nghiệp, hợp tác xã về công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. 

Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và đảm bảo nguồn thức ăn an toàn góp phần ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: K.V) 

Đã cấp phát 10.000 tờ bướm tuyên truyền phòng chống dịch và 4.000 tờ bướm hướng dẫn việc sử dụng thuốc tiêu độc khử trùng. Phối hợp Đài Tiếng nói nhân dân TP.Hồ Chí Minh ghi âm bài tuyên truyền hướng dẫn phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, chuyển cho các huyện ngoại thành phát thanh hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó đã tổ chức trực tuyến về bệnh dịch tả lợn Châu Phi và an toàn thực phẩm và tổ chức giao lưu trực tuyến về kiểm soát, ứng xử đúng bệnh dịch tả lợn Châu Phi với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành; 13 cơ quan báo đài với 22 phóng viên và bạn đọc đã đặt 72 câu hỏi gửi đến các đơn vị, ban ngành tham gia họp báo trả lời, có trên 83.561 lượt người truy cập. Cấp phát 2.000 ủng nhựa cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các hộ nuôi heo rừng lai, 4.000 bảng cảnh báo gắn trước cổng cho các hộ chăn nuôi, 10 tấn vôi bột cho hộ chăn nuôi có sử dụng thức ăn thu gom từ nhà hàng quán ăn và đang tiếp tục cấp phát thuốc sát trùng cho 1.854 hộ chăn nuôi lợn có qui mô nhỏ, từ 20 con/hộ trở xuống.

Ngay sau khi nhận được thông tin tỉnh Đồng Nai xảy ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ngành đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố thành lập 5 chốt kiểm dịch tạm thời tại khu vực cầu Phú Cường và cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) và khu vực cầu Phú Long (Quận 12) giáp ranh với tỉnh Bình Dương; cầu Tân Thái (giáp ranh với tỉnh Long An); khu vực Đồng Chùa, huyện Củ Chi (giáp ranh với tỉnh Tây Ninh). Tăng tần suất hoạt động của 3 Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố hoạt động 24/24 để giám sát nguồn lợn và sản phẩm thịt lợn vào Thành phố. Thực hiện chặt chẽ quy trình nhập lợn và kiểm soát giết mổ, quy trình kiểm dịch và tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển gia súc tại các trạm đầu mối giao thông. 

Ngoài ra, ngành chủ động làm việc Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị liên quan triển khai các tình huống phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố. Hướng dẫn các hộ dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các trang trại, hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, đặc biệt tập trung kiểm tra thực tế tại các hộ có nguy cơ cao dễ xảy ra dịch bệnh để hướng dẫn thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Cấp phát hóa chất khử trùng, vôi bột cho các hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa (274 hộ) hướng dẫn kỹ các biện pháp xử lý (thức ăn phải được nấu sôi trên 30 phút, sát trùng thùng chứa và phương tiện vận chuyển thức ăn); không sử dụng nguồn nước trên kênh rạch để nuôi lợn (tắm, rửa chuồng, cho lợn uống...) để giảm thiểu nguy cơ tồn tại và xâm nhập mầm bệnh trong môi trường. Thường xuyên tiêu độc, sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng (rải vôi, phun thuốc sát trùng xung quanh chuồng trại, lối ra vào chuồng trại), cố định công nhân chăm sóc, nghiêm cấm khách tham quan vào khu vực chăn nuôi. Kết quả, qua kiểm tra địa bàn ghi nhận đến nay chưa phát hiện đàn lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi./..

K.V