Giúp dân thoát nghèo, có cuộc sống ổn định

Với mức vay dành cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh là 2 tỷ đồng/dự án; người lao động là 100 triệu đồng; thời hạn vay vốn cũng được tăng từ không quá 60 tháng lên tối đa 120 tháng. Nghị định 74/2019/NĐ-CP đã thực sự tạo hiệu quả cho người lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Anh Trần Văn Minh (22/5 Ấp Chánh 2, Xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) một ví dụ điển hình về việc sử dụng hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm cho biết: Năm 2017, anh bắt đầu mở khu chăn nuôi bò sữa. Năm 2018, gia đình vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hóc Môn cho mô hình chăn nuôi bò sữa với số tiền ban đầu là 30 triệu đồng để thoát nghèo. Nhờ nguồn vốn này gia đình anh Minh đã mua bò để phát triển kinh tế.  Với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, đến nay từ một hộ nghèo, gia đình anh Minh có kinh tế khá ổn định tại địa phương. Số lượng đàn bò của gia đình anh đã lên tới gần chục con, tạo công ăn việc làm cho 3 lao động, với mức lương 7, 8triệu đồng/1 tháng.

Mô hình chăn nuôi bò sữa của anh Trần Văn Minh (22/5 Ấp Chánh 2, Xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn).

Để tiếp tục mở rộng kinh doanh, anh Minh vay thêm 20 triệu đồng từ gói vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hóc Môn. Bên cạnh việc chăn nuôi bò sữa, anh Minh đầu tư thêm trồng mai. Hiện tại mai của anh đã cho thu nhập ổn định hàng năm.

Không chỉ thoát nghèo, mô hình phát triển kinh tế của gia đình Anh Minh còn góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với thu nhập tương đối ổn định. Kết hợp việc phát triển chăn nuôi và trồng trọt, hiện mỗi năm gia đình anh Minh thu nhập hơn trăm triệu đồng.

Anh Minh cho biết: "Gói vay vốn hỗ trợ tạo việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân. Vốn vay phù hợp, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế với nhiều điều kiện thuận tiện, như: Không thế chấp, lãi suất thấp, thời gian vay dài hạn, tăng lên gấp đôi... Từ đây sẽ tạo việc làm, phát triển chăn nuôi, giúp người dân thoát nghèo, có cuộc sống kinh tế ổn định.”

Không sợ thiếu vốn

Ông Phan Huỳnh Đồng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hóc Môn cho biết: Từ khi thực hiện Nghị định 74/2019/NĐ-CP, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện nhanh chóng triển khai công tác cho vay. Từ tháng 11/2019 đến nay, cho vay tăng trưởng chương trình đạt trên 32 tỷ đồng, dư nợ chương trình trên địa bàn đạt trên 139 tỷ cho 3946 hộ đang vay vốn chương trình. Để tiếp cận chương trình, hộ vay và người lao động chỉ cần đến địa bàn xã, điểm vay vốn làm thủ tục vay. Sau đó sẽ được bình xét cho vay theo quy định. Việc triển khai thủ tục cho vay tương đối thuận lợi.

Theo ông Phan Huỳnh Đồng, huyện Hóc Môn đang trong quá trình đô thị hóa, đa số hộ dân vay kinh doanh, dịch vụ, chạy xe công nghệ, chăn nuôi, sản xuất… để phát triển kinh tế gia đình. Các hộ phấn khởi nguồn vốn vay tăng từ 50 triệu lên 100 triệu, tạo điều kiện hộ nghèo, cận nghèo địa phương tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình với mức lãi suất phù hợp mặt bằng chung của các ngân hàng thương mại.

Ông Phan Huỳnh Đồng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hóc Môn.

“Tuy nhu cầu vốn, nhất là vốn chính sách lãi suất thấp thuận lợi người dân, nhưng chỉ tiêu hằng năm bổ sung địa phương còn hạn hẹp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân, đồng thời chưa chủ động nguồn vốn, Trung ương chưa đưa vốn về kịp thời, gây khó khăn cho người dân đặc biệt vào thời gian cuối tết và mùa vụ” - ông Phan Huỳnh Đồng phân tích.

Thực tế, trong cuộc sống, người dân luôn tìm công việc làm ăn cho bản thân và gia đình. Người có điều kiện làm mô hình lớn, người lao động nghèo sẽ phát triển chăn nuôi sản xuất, buôn bán nhỏ, miễn có nghề nghiệp chính đáng sẽ được Ngân hàng Chính sách hỗ trợ vay vốn. Qua chương trình, tạo điều kiện cho hộ nghèo là đối tượng khó tiếp cận các ngân hàng thương mại. Hiện nay, mạng lưới trên 12 xã tổ chức vay vốn, danh sách hộ nghèo được Phòng Lao động Thương binh Xã hội  chuyển đến. Sau đó, Ngân hàng Chính sách cử cán bộ đi địa phương khảo sát hộ gia đình, ghi nhận xin chỉ tiêu hỗ trợ. Vì vậy, hộ nghèo không sợ thiếu vốn, ngân hàng chính sách sẵn sang  hỗ trợ họ. Hiện, 100% hộ nghèo được ngân hàng tiếp cận cho vay vốn.

Về nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, ông Phan Huỳnh Đồng cho rằng: Nguồn vốn này tương đối mới . Bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ trước khi có Nghị định đã tiếp cận vay vốn ngân hàng thương mại. Doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn so với hạn mức cho vay là 2 tỷ. Số tiền này không đủ đầu tư máy móc, thiết bị.  Do vậy họ chọn vay ngân hàng thương mại để có mức vay cao hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới khởi nghiệp, thủ tục, pháp lý, giấy phép kinh doanh, báo cáo thuế, báo cáo tài chính chưa thực hiện đúng theo thủ tục pháp luật, căn cứ vào đó bình xét cho vay gặp khó khăn.

Theo ông Phan Huỳnh Đồng, hướng tới để tập trung nguồn vốn cho doanh nghiệp vay khởi nghiệp, ngân hàng sẽ thực hiện hướng dẫn hỗ trợ vốn, các ban ngành hỗ trợ thủ tục pháp lý, hướng dẫn về thuế, báo cáo thuế, giấy phép kinh doanh. Các ngành khác nên đưa vào định hướng chung của Chính phủ, để doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn chính sách. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp mua máy móc cũ, không có hóa đơn. Bởi vay vốn đòi hỏi hóa đơn theo quy đinh pháp luật, vì vậy họ phải tự đi mua hóa đơn và lại phải gánh thêm chi phí .

Vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và tạo việc làm mới. Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hóc Môn đã phối hợp với ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong công tác điều hành, quản lý nguồn vốn cho vay, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn./.

CM