Chiều 18/7, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh; Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện của Thành phố.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị
Cải cách hành chính là chìa khóa quan trọng thu hút đầu tư phát triển
Báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, thực hiện “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội năm 2019” và các chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Thành phố đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, phù hợp với thực tiễn đặc thù của Thành phố, góp phần vào phát triển ổn định tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội Thành phố. Cụ thể, đã xây dựng và phát động phong trào thi đua về công tác cải cách hành chính, với 665 mô hình, giải pháp được đăng ký; đặc biệt, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã ký cam kết với Chủ tịch UBND Thành phố thực hiện tốt 08 nội dung về cải cách hành chính.
Thành phố đã triển khai 85 nội dung ủy quyền theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, các nội dung ủy quyền đã phát huy hiệu quả, giảm bớt thời gian, kinh phí cho doanh nghiệp, người dân; tăng sự chủ động, sáng tạo cho cơ quan, người có thẩm quyền trong quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình, bước đầu được sự đồng thuận của cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan truyền thông.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho người dân tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt tỷ lệ đều vượt so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, Thành phố phê duyệt 21 quy trình nội bộ và hoàn tất quy trình điện tử liên thông, liên thông dữ liệu đối với 21 quy trình giữa sở, ban, ngành, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.
Thành phố đã chỉ đạo triển khai nhân rộng 05 mô hình và giới thiệu 251 mô hình về sáng kiến, giải pháp, cách làm hay về công tác cải cách hành chính tại các cơ quan các cấp. Trong đó, mô hình “Bình Thạnh trực tuyến” đang được nhân rộng và triển khai tại hơn 13/24 quận, huyện, các đơn vị còn lại đang lập kế hoạch triển khai và đang nghiên cứu tích hợp với ứng dụng 1022 của Thành phố…
Đồng thời, Thành phố đã thiết lập hệ thống phòng họp không giấy, ứng dụng giao việc tức thời – nhắc việc thông minh. Thành phố đã xây dựng và hiện đang vận hành thử nghiệm hệ thống khảo sát hài lòng người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính, gắn với Cổng dịch vụ công thành phố, một cửa điện tử theo Nghị định số 61 của Chính phủ. Đây là mô hình đầu tiên trên cả nước và Thành phố sẽ nghiên cứu, triển khai nhân rộng…
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực cải cách hành chính; đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính của Thành phố trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cải cách hành chính Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tồn tại những hạn chế và vướng mắc. Đó là, vẫn còn một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND quận, huyện chưa thể hiện được sự sâu sát và mang tính chất “đột phá” trong tham mưu, chỉ đạo và điều hành triển khai công tác cải cách hành chính tại đơn vị, vẫn còn thái độ còn e dè và sợ trách nhiệm.
Trong đó, công tác đánh giá, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế các nội dung, hình thức ủy quyền theo các quy định pháp luật mới chưa kịp thời và chưa phù hợp với thực tiễn; vẫn còn 0,31 % hồ sơ trễ hẹn (tương đương 31.942 hồ sơ), hồ sơ trễ hạn chủ yếu tiếp tục tập trung trong lĩnh vực đất đai. Tỷ lệ không hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước còn cao 17,67%.
"Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của một vài cơ quan, đơn vị chưa bám sát Khung kiến trúc chính quyền điện tử Thành phố đã được công bố; công tác bồi dưỡng, đào tạo người quản lý, điều hành và khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin còn chưa được quan tâm đúng mức; công tác tổ chức đánh giá chỉ số cải cách hành chính được quan tâm thực hiện nghiêm túc nhưng vẫn còn 02 Sở xếp loại trung bình; 01 Sở xếp loại yếu…"Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chỉ rõ.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị tập trung cao điểm thực hiện triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ 10 giải pháp trọng tâm đã được Thành phố chỉ đạo từ đầu năm nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả trong công tác cải cách hành chính.
Đồng thời, giao Sở Tư pháp tiếp tục đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, số lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chủ động rà soát các văn bản nhằm sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp. Văn phòng UBND Thành phố triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Nghị định số 61 của Chính phủ về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; triển khai nhân rộng hệ thống đánh giá hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính, gắn với Cổng dịch vụ công Thành phố, một cửa điện tử theo Nghị định số 61 của Chính phủ; đẩy mạnh việc thí điểm, tổ chức sơ kết và nhân rộng mô hình “Hệ thống phòng họp không giấy” và “Ứng dụng giao việc tức thời - nhắc việc thông minh”.
Sở Tài nguyên và Môi trường khắc phục tình trạng hồ sơ trễ hạn trong lĩnh vực đất đai, phấn đấu kéo giảm tỷ lệ trễ hạn xuống dưới 0,1%; nhanh chóng rà soát, trình Chủ tịch UBND Thành phố công bố các thủ tục hành chính còn lại trong lĩnh vực đất đai. Đặc biệt là các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận và trả kết quả tại UBND cấp xã.
Cho rằng nhiệm vụ cải cách hành chính là việc làm lâu dài, nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, Thành phố đã xác định đột phá về cải cách hành chính là chìa khóa quan trọng nhằm tăng cường sự phục vụ và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển. Chính quyền Thành phố cam kết sẽ làm hết sức quyết tâm và kiên trì để tạo nên động lực mới cho sự phát triển chung của Thành phố. Đồng chí mong muốn có sự vào cuộc quyết tâm và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, và người dân thành phố, góp phần từng bước đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh – hiện đại – nghĩa tình.
Quang cảnh Hội nghị.
Cải cách hành chính phải đi đôi với chính quyền điện tử
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao thời gian qua hoạt động cải cách hành chính trên địa bàn Thành phố diễn ra sâu rộng với không khí triển khai quyết liệt, hành động quyết liệt và đạt nhiều kết quả. Trong đó, các lãnh đạo đơn vị đã quan tâm hơn đến sáng kiến cải cách hành chính để từng cán bộ, công viên chức tham gia; thực hiện khẩn trương mô hình phòng họp không giấy, nhắc việc trực tuyến, đặc biệt UBND Thành phố đã có văn bản đối với những vấn đề xin ý kiến không phải thủ tục hành chính thì sau 15 ngày làm việc nếu cơ quan được hỏi không có ý kiến trả lời thì coi như đồng ý và chịu trách nhiệm…
Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, sau khi sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội vào Văn phòng Hội đồng nhân dân Thành phố, qua 6 tháng hoạt động văn phòng mới hoạt động đạt kết quả tốt, đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo. Bên cạnh đó, lần đầu tiên thành phố ban hành quy chế phối hợp, quy định thời gian và quy trình cụ thể về giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các quận, huyện, sở ngành, thực hiện chi thu nhập tăng thêm gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị. Thành phố đã giới thiệu 5 mô hình và 251 giải pháp hay về cải cách hành chính, nhân rộng mô hình "Bình Thạnh trực tuyến, Hóc Môn trực tuyến” ra 13 quận huyện khác.
Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân liệt kê một số hạn chế trong công tác cải cách hành chính như: công tác đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 vẫn còn chưa đạt so với yêu cầu của Trung ương, chỉ tiêu này đứng 19/63 tỉnh thành; theo đánh giá của Trung ương chỉ số đánh giá tác động của cải cách hành chính đến sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn đứng thứ 60/63 tỉnh thành, bởi chỉ số đánh giá trong lĩnh vực đất đất đai, đầu tư, xây dựng Thành phố còn thấp…
Để công tác cải cách hành của Thành phố chuyển động, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, từng, sở, ngành, quận, huyện phải chuyển mình, đối với các đơn vị còn yếu, trung bình về cải cách hành chính phải phấn đấu lên khá và các đơn vị khá phấn đấu vươn lên tốt hơn.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng từ nay đến cuối năm 2019, phải tách sự đánh giá hài lòng của người dân còn thấp ở lĩnh vực xây dựng, đất đai, và các hoạt động lĩnh vực kinh tế, để tham gia đánh giá, giám sát thực hiện tốt hơn. Đồng thời, tiến hành rà soát và nâng chỉ tiêu triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Đối với các đơn vị vượt mức của Trung ương cần giữ vững, đối với các đơn vị dưới mức cần phải nâng lên.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Thành phố đẩy nhanh ứng dụng mạnh mẽ hơn mô hình “Bình Thạnh trực tuyến”, “Hóc Môn trực tuyến”, hiện nay 11 đơn vị đang học tập triển khai phấn đấu đến tháng 9/2019 hoàn thành mô hình này và cần thiết chọn doanh nghiệp tư vấn thiết kế thực hiện mô hình này hỗ trợ triển khai tăng tốc hơn. Đối với các đơn vị đang làm phấn đấu trong Quý 3 cơ bản thực hiện xong và các đơn vị chưa làm, trong quý 4 bắt đầu tham gia vào cuộc để sang năm 2020, toàn Thành phố thực hiện đều mô hình trực tuyến này.
Nhấn mạnh đến cải cách hành chính và chính quyền điện tử phải đi đôi với nhau, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND Thành phố nghiên cứu để Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Thành phố và Cơ quan chỉ đạo về Chính phủ điện tử Thành phố gộp lại làm 1, bởi hiện nay vẫn là 2 cơ quan. Sau khi thực hiện chỉ còn 1 Ban chỉ đạo sẽ thuận hơn trong việc tích hợp, thực hiện số hóa và cải cách hành chính được tốt hơn./.