Các đại biểu tham dự Hội thảo.

 

Tham dự Hội thảo, về khách mời Trung ương có: Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội; Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam.

Về khách mời Lãnh đạo Thành phố có Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố; Ông Nguyễn Văn Dũng - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố;

Đại diện Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ; Đại diện Lãnh đạo các Ban HĐND Thành phố: Ban Kinh tế - Ngân sách; Ban Đô thị; Ban Pháp Chế; Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố; Văn phòng UBND Thành phố; Đại diện Lãnh đạo Đảng uỷ Khối Dân – Chính – Đảng thành phố; Đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành thành phố; Đại diện các phòng, khoa của Trường Đại học KHXH và NV, ĐHQG TPHCM; Đại diện các phòng ban chuyên môn của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em thành phố; Đại diện Lãnh đạo các tổ chức Đoàn thể chính trị - xã hội thành phố; Đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Tổ chức UNICEF Việt Nam, Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế (SCI), Tổ chức TFCF; Đại diện lãnh đạo HĐND, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện…

Qua báo cáo đề dẫn, TS. Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã nêu lên một số vấn đề để Hội thảo cùng chia sẻ, thảo luận, tập trung vào 3 nhóm nội dung chính, đó là những vấn đề về chính sách bảo vệ quyền trẻ em; thực tiễn hoạt động bảo vệ quyền trẻ em, và vai trò và kinh nghiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo vệ quyền trẻ em.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng cộng đồng ASEAN cùng vững vàng tiến bước, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp Quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.

Tham luận của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã cho thấy một cách nhìn khái quát về công tác bảo vệ quyền trẻ em trong khu vực ASEAN. Đặc biệt là sự ra đời của ACWC tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định vai trò và đóng góp của Việt Nam trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN nói chung, cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN nói riêng, góp thêm tiếng nói bảo vệ, thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em, tăng cường phúc lợi xã hội và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em trong quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Bài viết chỉ ra tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của các nước ASEAN có ảnh hưởng đến thực thi quyền trẻ em; Những hoạt động của Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (2010 – 2020) và sự tham gia của Việt Nam; Một số ý kiến góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ACWC trong thời gian tới hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025.

các đại biểu chụp hình lưu niệm.

 

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe tham luận của nhóm tác giả gồm: ThS.Nguyễn Thị Lệ, ThS.Cao Thanh Bình và TS.Nguyễn Minh Nhựt nêu vấn đề về “Hệ thống bảo vệ trẻ em hiện nay tại TP Hồ Chí Minh”.

Bài viết của nhóm tác giả đã đánh giá một cách khái quát hệ thống bảo vệ trẻ em hiện nay tại TP Hồ Chí Minh và phân tích các yếu tố tác động đến hệ thống này bao gồm: đội ngũ nhân sự phụ trách công tác trẻ em và ủy ban trẻ em 3 cấp, đội ngũ cộng tác viên Dân số - Trẻ em, các chính sách và hoạt động can thiệp từ mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Theo đó, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tiếp cận theo hướng hình thành một hệ thống đảm bảo việc phòng ngừa, can thiệp sớm và đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Hệ thống bảo vệ trẻ em tại thành phố với trọng tâm đặt ở cơ sở nên kết quả giải quyết các vấn đề về trẻ em đều phụ thuộc vào cấp này. Nhưng các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác trẻ em tại địa phương nằm trong diện cán bộ không chuyên trách, đại đa số đều hoạt động kiêm nhiệm. Trong thời gian qua, sự biến động nhân sự ở cấp này quá lớn dẫn đến tình trạng hệ thống bảo vệ trẻ của thành phố hoạt động gặp nhiều khó khăn.

Theo ThS.Nguyễn Thị Thanh Tùng, đại dịch COVID-19 đã tác động đến cuộc sống của mọi người dân trong xã hội, trong đó có trẻ em. Trong thời gian dài, trẻ phải học trực tuyến, không được tiếp xúc xã hội, có các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Trẻ em trong các gia đình thu nhập thấp, mồ côi cha mẹ/người nuôi dưỡng do COVID-19, trẻ phải vào khu cách ly tập trung mà không có người thân theo cùng,... bị ảnh hưởng nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần. Do đó, trẻ em rất cần sự trợ giúp xã hội của các bên có liên quan: gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và Nhà nước; phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong bài viết là phương pháp nghiên cứu định tính và quản lý trường hợp, từ dự án “Chăm sóc, hỗ trợ tinh thần cho trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh” thuộc chương trình Vắc xin tinh thần của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ sức khỏe tinh thần của người dân trong đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, các tham luận cũng đã chỉ ra vai trò của các các tổ chức xã hội là rất đa dạng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương thông qua những hoạt động hướng đến thực hiện an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Trong thời gian qua, sự hỗ trợ và phối hợp hết sức hiệu quả của tổ chức xã hội với các cơ quan quản lý nhà nước đã góp phần giải quyết phần nào những vấn đề của trẻ em, đặc biệt trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, việc phát triển mạng lưới các tổ chức xã hội, đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội tại cộng đồng với 2 loại hình: công lập và ngoài công lập đều có vai trò và vị trí quan trọng như nhau. Thực tế cho thấy, hoạt động của các tổ chức xã hội trong thời gian qua cũng gặp phải một số khó khăn và hạn chế nhất định. Do vậy, việc đưa ra các giải pháp phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong thời gian tới là việc làm cần thiết để từng bước khẳng định vai trò và vị trí của họ đối với xã hội.

Sau gần 4 giờ thảo luận, Hội thảo khoa học “Bảo vệ quyền trẻ em – Thực trạng và giải pháp” đã thành công tốt đẹp. Qua đây, Hội thảo sẽ dựa trên các vấn đề mà dư luận xã hội hiện nay đang quan tâm trên cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý. Từ đó, đưa ra các giải pháp thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ quyền trẻ em trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới./..

 

 

Tin, ảnh: PV