Bến xe Miền Đông mới được đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.

(Ảnh: Đỗ Loan)

Sau gần 4 năm thi công, Bến xe miền Đông mới đã hoàn thành giai đoạn 1, bao gồm các hạng mục công trình nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe chờ tài, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu, trạm xử lý nước thải.

Bắt đầu từ ngày 10/10, Bến xe Miền Đông mới chính thức đưa vào họa động giai đoạn 1, trong đó trước mắt tổ chức 22 tuyến xe khách đi các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra Bắc có cự ly tuyến 1.100 km trở lên hoạt động tại bến xe. Các tuyến này được di dời từ Bến xe Miền Đông hiện hữu số 292 đường Đinh Bộ Lĩnh, Phường 26, quận Bình Thạnh sang Bến xe Miền Đông mới số 501 đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, Quận 9.

Theo đó, hành trình chạy xe của xe khách đi và đến Bến xe Miền Đông mới trên địa bàn thành phố như sau: Xe đi Quốc lộ 1: Bến xe Miền Đông mới – Quốc lộ 1 (đi theo hướng qua cầu Đồng Nai) và ngược lại. Xe đi cao tốc: Bến xe Miền Đông mới – Đường Hoàng Hữu Nam – Đường D400 – Quốc lộ 1 – Điểm quay đầu xe trước Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố - Quốc lộ 1 – Xa lộ Hà Nội – Đường D1 Khu Công nghệ cao – Đường D2 Khu Công nghệ cao – Cầu Phú Hữu – Vành Đai 2 (Đường Võ Chí Công) – Vòng xoay Phú Hữu – Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây – Ranh giới địa phận thành phố Hồ Chí Minh-tỉnh Đồng Nai và ngược lại.

Ngoài ra, nhằm tạo thuận lợi cho hành khách đi lại tại  Bến xe Miền Đông mới, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP sẽ tổ chức các tuyến xe buýt kết nối đến Bến xe Miền Đông mới như tuyến xe buýt số 55 (Công viên phần mềm Quang Trung - Khu công nghệ cao quận 9); tuyến 76 (Long Phước - Suối Tiên - Đền Vua Hùng) và tuyến số 93 (Bến Thành – Đại học Nông Lâm kết nối vào Bến xe Miền Đông mới) để phục vụ hành khách.

Cùng với đó, để việc di dời mang lại hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hình thành dần thói quen đi lại, trong thời gian đầu các đơn vị vận tải thuộc diện di dời ở giai đoạn 1 tạm thời lưu đậu xe khách để đón trả khách tại Bến xe Miền Đông hiện hữu trước khi đến Bến xe Miền Đông mới hoàn tất các thủ tục xuất bến theo quy định (thời hạn tạm thời không quá 3 tháng kể từ ngày 10/10). Đồng thời, khuyến khích các đơn vị vận tải đang khai thác các tuyến vận tải hành khách còn lại tại Bến xe Miền Đông hiện hữu sử dụng Bến xe Miền Đông mới làm điểm dừng đón trả khách.

Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn TNHH một thành viên, (chủ đầu tư) cho biết, đến thời điểm này công trình cơ bản đã ổn, chỉ chờ đến ngày khai trương. Việc di dời các tuyến vận tải được tiến hành theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1, di dời 24 tuyến ra Bến xe Miền Đông mới là các tuyến từ tỉnh Quảng Trị trở ra phía Bắc. Các tuyến còn lại vẫn hoạt động tại bến cũ, sau khi các tuyến ở giai đoạn 1 ổn định sẽ tiếp tục di dời các tuyến khác trong giai đoạn 2.

Dự án Bến xe Miền Đông mới là một quần thể phức hợp bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích với tổng diện tích trên 16 ha nằm trên địa phận phường Long Bình, quận 9 TP Hồ Chí Minh và huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương, trong đó phần diện tích thuộc TP là 12.3 ha và 3.7 ha diện tích còn lại thuộc tỉnh Bình Dương.

Ngoài chức năng chính là cung cấp dịch vụ vận tải, Bến xe Miền Đông mới Bến xe cũng sẽ kết hợp một số chức năng dịch vụ khác như kinh doanh bãi đậu xe sửa chữa bảo dưỡng phương tiện, trạm tiếp nhiên liệu, tổ chức trung chuyển và giao dịch hàng hóa, thương mại dịch vụ.

Bến xe Miền Đông mới khi hoàn thành đưa vào khai thác dự kiến sẽ phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến, ngày cao điểm lễ/ tết lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến./.

Chi Mai