Báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT cho biết hiện các dự án kết nối khu vực Cảng hàng không quốc tế Long Thành với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang được triển khai đầu tư đồng bộ. Đối với cao tốc TP.HCM - Long Thành, VEC đã có báo cáo đề xuất giao cho đơn vị này triển khai mở rộng.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được quy hoạch 10 làn xe. Giai đoạn 1 (4 làn xe) đã được VEC triển khai và khai thác từ năm 2016 với tổng mức đầu tư 980,7 triệu USD (sử dụng vốn vay ADB là 5.648 tỉ đồng (tương đương 268 triệu USD), vốn vay JICA là 13.337 tỉ đồng (tương đương 634 triệu USD), vốn đối ứng là 1.644,17 tỉ đồng (tương đương 78,16 triệu USD).

Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc này liên tục tăng cao (trung bình khoảng 10,45%/năm). Theo tính toán, nhu cầu vận tải đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã mãn tải 04 làn xe, nhu cầu vận tải vượt 25% so với năng lực, không đáp ứng được nhu cầu vận tải và đặc biệt là khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác.

Do đó theo Bộ GTVT, việc nghiên cứu đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành là rất cần thiết và cấp bách.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng giao VEC thực hiện dự án mở rộng 21km cao tốc
TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. ( Ảnh: Quang Định)

 

Hiện, VEC nghiên cứu đầu tư mở rộng đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, chiều dài 21,92 km. UBND TP.HCM đầu tư mở rộng nút giao An Phú và đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Vành đai 2 do đoạn tuyến này đã được VEC bàn giao cho TP.HCM.

Quy mô đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 do nằm ngoài phạm vi quy hoạch cao tốc nên đề xuất mở rộng với quy mô 8 làn xe. Đoạn tuyến từ nút giao vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đề xuất mở rộng lên 10 làn xe. Khái toán tổng mức đầu tư khoảng 14.787 tỉ đồng.

VEC cũng đề xuất 4 phương án đầu tư. Trên cơ sở đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp lựa chọn phương án thứ 4 là VEC tự huy động vốn thực hiện mở rộng, tiến độ triển khai thuận lợi và dự kiến đầu năm 2026 hoàn thành.

Thực tế hiện nay VEC đang là chủ đầu tư và quản lý, vận hành, khai thác đường cao tốc TP.HCM - Long Thành để thu hồi vốn trả ADB và JICA. Trong bối cảnh Bộ GTVT không thể cân đối được thêm vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này, Bộ GTVT nhận thấy phương án VEC thực hiện đầu tư mở rộng đường có nhiều ưu điểm.

Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao cho VEC nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư mở rộng dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành. Trong quá trình nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, VEC phải tính toán và báo cáo cụ thể khả năng cân đối vốn và cơ chế có liên quan./.

Chúc Anh