Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh vấn đề về cải cách hành chính (CCHC) hiện nay của TP Hồ Chí Minh, đặc biệt khi Thành phố đã chọn chủ đề năm 2019 là Năm cải cách hành chính.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cải cách hành chính mà Thành phố đang tập trung thực hiện?
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến.
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến: CCHC là nhiệm vụ trọng tâm của năm nay và Thành phố xác định đột phá về CCHC là chìa khóa quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển. Để CCHC có sự chuyển biến rõ rệt, đạt kết quả tốt, Thành phố tập trung thực hiện đồng bộ 10 nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, tất cả hệ thống chính trị đều đăng ký những công trình, những việc làm cụ thể để cải tiến, đổi mới hiệu quả để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức dù ở vị trí nào đều phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, nêu cao tinh thần vượt qua khó khăn, đoàn kết, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đặc biệt là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính thuộc ngành, lĩnh vực và địa phương mình.
Bên cạnh đó, Thành phố xác định cần phải tăng cường cơ chế giám sát, mà ở đây là giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, giám sát của người dân. Thành phố và các quận huyện triển khai lấy ý kiến, khảo sát sự hài lòng của người dân gắn với đánh giá hiệu quả công việc theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Những nơi nào nhận thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 54 thì phải đảm bảo thực hiện hiệu quả cải cách hành chính và ngược lại, nơi nào còn gây phiền hà, hồ sơ trễ hẹn nhiều thì không được hưởng chế độ này. Đồng thời, cán bộ nào mất uy tín, không hoàn thành công việc cũng không được hưởng chế độ thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 54.
Hiện nay, các đơn vị trên địa bàn cũng đã đẩy mạnh ứng dụng (App) công nghệ để người dân và doanh nghiệp có thể gửi trực tiếp thông tin, yêu cầu và từ đó, cơ quan nhà nước dễ dàng tiếp cận và trả lời ngay hoặc cung cấp thông tin cho người dân được biết về hướng giải quyết, thời gian cụ thể... Điều này giúp cho người dân có nhiều cơ hội phản ánh, tăng cường chức năng giám sát của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền.
Một trong những giải pháp nữa là Thành phố đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, từng bước số hóa kho dữ liệu, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh để làm thế nào quản lý dữ liệu và xử lý các công việc hành chính nhanh, gọn, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để đề cao trách nhiệm của cán bộ công chức trong việc tận tâm, tận lực, tận tụy phục vụ người dân; giải thích cặn kẽ bằng chuyên môn nghiệp vụ của mình cho người dân được biết, hiểu rõ về pháp luật và những quy định hành chính đồng thời cương quyết nói không với những phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực.
Thời gian qua, thực tế cho thấy các đơn vị đã triển khai rất tốt, đúng hướng và hiện nay Thành phố tiếp tục duy trì những biện pháp, giải pháp trên để triển khai.
Phóng viên: Đồng chí có nhắc tới trách nhiệm của người đứng đầu. Vậy cụ thể trách nhiệm đó ở đây là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến: Trách nhiệm của người đứng đầu thể hiện ở một số nội dung. Thứ nhất, trách nhiệm người đứng đầu là phải kiểm soát được công việc của cán bộ đang triển khai, trong đó có các công việc cải cách hành chính, không để có tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà, kéo dài các hồ sơ trễ hẹn mà người đứng đầu không nắm được. Trong trường hợp đơn vị mình có hồ sơ trễ hẹn thì phải có thư xin lỗi người dân hoặc doanh nghiệp và lần sau phải thực hiện đúng thời gian đã cam kết.
Thứ hai, là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 nhằm đảm bảo công khai, minh bạch.
Thứ ba, trách nhiệm người đứng đầu trong việc đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực. Nếu phát hiện cán bộ có biểu hiện trên thì người đứng đầu phải có biện pháp xử lý kịp thời.
Chính kết quả CCHC là cơ sở để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Những trường hợp kết quả xếp loại trách nhiệm người đứng đầu trong CCHC ở mức thấp so với quy định, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành còn hạn chế, không nắm được tình hình cơ quan, đơn vị mình cũng được xem là không hoàn thành nhiệm vụ và Thành phố sẽ xem xét điều chuyển, thay thế người đứng đầu để nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Trên thực tế cho thấy, trách nhiệm của người đứng đầu có vai trò quan trọng, kéo bộ máy đi theo. Những nơi nào, người đứng đầu có trách nhiệm, tâm huyết, nỗ lực trong CCHC thì nơi đó công việc triển khai tốt, hiệu quả. Còn nơi nào người đứng đầu buông lỏng CCHC thì nơi đó cán bộ sẽ buông xuôi theo, thiếu trách nhiệm thậm chí lợi dụng khe hở để trục lợi.
Người dân có thể đánh giá cán bộ công chức vào bảng điện tử được gắn phía trước.
Phóng viên: Hiện nay, trong các lĩnh vực đều đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC của Thành phố đang triển khai ra sao, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến: Thành phố đang đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến để đảm bảo công khai minh bạch. Kết quả hồ sơ sẽ được trả cho người dân, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức: trả kết quả 1 lần, trả kết quả tận nhà qua bưu điện. Nếu làm tốt điều này, chắc chắn sẽ giảm tiêu cực, phiền hà.
Thành phố đã đề ra kế hoạch trong năm nay, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn của từng lĩnh vực đều đạt trên 90%; đưa tỷ lệ từ 30% đến 40% số lượng thủ tục hành chính (TTHC) đủ yêu cầu, điều kiện vào cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4; đạt từ 30% hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến mức độ 4; có từ 80% trở lên hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; trong đó có từ 10% trở lên số hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính, có từ 15% trở lên số hồ sơ được trả kết quả qua dịch vụ bưu chính.
Từng UBND quận - huyện thực hiện đạt từ 30% trở lên hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; trong đó có từ 10% trở lên số hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính, có từ 15% trở lên số hồ sơ được trả kết quả qua dịch vụ bưu chính.
Thành phố cũng đang vươn tới xây dựng chính quyền số, tất cả dữ liệu đều sẽ được số hóa. Điều này giúp cho việc triển khai, xử lý hồ sơ nhanh chóng, công khai, minh bạch hơn. Chứ còn hiện nay, vẫn còn nặng về giấy tờ hành chính thì rất chậm và rất dễ dẫn tới tình trạng quan liêu, phiền hà.
Phóng viên: Hiện nay, vẫn còn có những thủ tục hành chính rườm rà và thái độ của một số công chức tại các cơ quan công quyền chưa làm người dân hài lòng. Thành phố có giải pháp nào giải quyết vấn đề này, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến: Hiện nay, những phiền hà, nhũng nhiễu trên địa bàn Thành phố đã có giảm. Những sự việc kéo dài nhiều năm, Thành phố đang rà soát lại nguyên nhân, những khó khăn cụ thể để từng bước giải quyết. Người dân cũng đánh giá cao cán bộ từ phường xã đã có những chuyển biến tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn có một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu mong mỏi của người dân. Thành phố xác định đây là công việc lâu dài cần tiếp tục kiểm soát, nhất là những nơi nhạy cảm gây nhiều khó khăn cho kiểm soát của cơ quan nhà nước. Từ thực tế, đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, đặc biệt đẩy mạnh giám sát của báo chí, của tổ chức đoàn thể, của nhân dân để kịp thời phát hiện những cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và có biện pháp ngăn chặn và xử lý ngay.
Ở đây, theo tôi, điều quan trọng nhất là ý thức của từng cán bộ công chức chứ không phải chỉ là trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu chỉ là ý chí quyết tâm kéo con tàu, còn để cho đoàn tàu về tới đích thì phải từng người trong các toa tàu cùng phải khởi động hết. Với sự quyết tâm của người đứng đầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát tốt tổ chức bộ máy, nâng cao thu nhập cho anh em hơn nữa thì chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực.
Qua đây tôi cũng muốn nhắn nhủ tới cán bộ công chức Thành phố: Mỗi cán bộ công chức của Thành phố phải thấy được trách nhiệm của mình đối với xã hội, với người dân. Những công việc dù nhỏ nhất cũng phải chăm chút, quan tâm thực hiện bằng trách nhiệm và lương tâm của mình. Những hành động dù là nhỏ nhất để giúp cho người dân tiện lợi, tiện ích hơn thì người cán bộ công chức phải suy nghĩ để làm chứ không phải chỉ là những việc lớn về thể chế, về cơ chế chính sách.
Trong thời gian qua, trong lĩnh vực cải cách hành chính, những gì cơ bản nhất Thành phố đã và đang nỗ lực giải quyết (công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, tăng thu nhập cho cán bộ công chức để an tâm lo công việc, tạo mọi điều kiện cho anh em học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, nghiệp vụ…), vấn đề còn lại là cán bộ công chức có đủ năng lực, trách nhiệm và tâm huyết để làm việc hay không? Nếu cảm thấy không đủ gắn bó thì nên rời khỏi bộ máy.
Đối với các thủ tục hành chính, Trung ương đang nỗ lực lớn để giảm bớt đầu thủ tục cũng như các đầu việc trong các thủ tục. Các bộ, ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đang đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính giúp cho doanh nghiệp và người dân giảm được thời gian đi lại, giảm phiền hà.
Riêng TP Hồ Chí Minh, đối với những thủ tục của Trung ương thì vẫn phải đảm bảo thực hiện nhưng Thành phố xác định phải công khai, minh bạch đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân cụ thể các thủ tục, tránh đi lại nhiều lần, mất thời gian.
Cải cách hành chính là một nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho các cấp chính quyền thực hiện. Nếu chúng ta làm tốt cải cách hành chính trên cơ sở phát huy tối đa sự chủ động và sự cho phép của Nghị quyết 54 thì chúng ta có thể thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp giúp cho Thành phố tháo gỡ được những vướng mắc, những cơ chế gây cản trở cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
TP Hồ Chí Minh phấn đấu năm 2019 đạt trên 80% ý kiến hài lòng khi thực hiện khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn Thành phố; tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất tối thiểu 30% sở, ban, ngành, UBND quận - huyện, đặc biệt kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ; phấn đấu chỉ số CCHC của Thành phố (chỉ số Par Index) trong nhóm 7 địa phương dẫn đầu cả nước, điểm chỉ số năm 2019 cao hơn so với năm 2018. |