Hội nghị là diễn đàn để những người trong cuộc chia sẻ
Ngày 5/6, Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và Đảng ủy Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước – Tiếng nói của những người trong cuộc”.
Hội nghị là dịp để cấp ủy, doanh nghiệp trong lĩnh vực công ích, cán bộ, đảng viên, người quản lý doanh nghiệp, công nhân và các đoàn thể cơ sở có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn công việc. Đặc biệt, đây cũng là diễn đàn để các đơn vị và công nhân, những người trực tiếp làm công tác vệ sinh môi trường nói lên những suy nghĩ, tâm tư của mình đồng thời tham gia đóng góp, hiến kế, đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh việc kêu gọi người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì một TP sạch và giảm ngập nước; góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen xả rác bừa bãi ra đường và kênh rạch.
Ý thức của người dân còn chưa cao
Theo ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh, sau gần 2 năm thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”, mặc dù TP rất quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; các đơn vị thực hiện công tác quét, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt rất quyết tâm, vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, thậm chí chấp nhận tăng chi phí để tổ chức quét, thu gom rác ( 2 – 4 lần quét, thu gom thay vì 1 đến 2 lần/ngày), nhưng kết quả vẫn còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Chất lượng vệ sinh, ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP có giảm nhưng chưa đáng kể.
Chia sẻ nguyên nhân, ông Tuấn cho rằng, do người dân tiếp cận và thực hiện Cuộc vận động còn hình thức, chưa thấy hết được ý nghĩa của Cuộc vận động nên chưa tác động mạnh mẽ tới thay đổi hành vi. Cũng vì thế mà có một bộ phận người dân vẫn “vô tư” quét rác ra vỉa hè, xả xuống cống thoát nước, kênh rạch. Cũng còn có những địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, chưa quyết liệt trong chỉ đạo. Đặc biệt, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được Chính phủ ban hành nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao, kết quả xử phạt còn rất hạn chế dẫn tới người dân chưa chấp hành nghiêm.
Ý kiến của những người trực tiếp làm công tác quét dọn, thu gom rác tại Hội nghị hôm nay cũng cho rằng, ý thức chấp hành của người dân trong việc không xả rác bừa bãi ra đường và kênh rạch trên địa bà TP hiện nay còn chưa cao.
Sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân đã biến nơi thoát nước thành bãi rác
Chị Trần Khánh Xuân (công nhân Công ty Dịch vụ Công ích Quận 1) cho biết, công việc của các chị bắt đầu từ tờ mờ sáng, khi mọi người còn đang say trong giấc ngủ. Công việc có vất vả, nhưng bản thân chị luôn suy nghĩ là phải làm hết mình, có trách nhiệm với công việc đã chọn. “Đằng sau những giọt mồ hôi, chúng tôi cũng có những niềm vui đó là nhìn thấy thành quả lao động của mình - những tuyến đường sạch đẹp, là thấy bản thân được đóng góp một phần bé nhỏ cho TP này”, chị Xuân nói.
Nhưng, đó chỉ là cách chị tự động viên mình. Nhiều năm gắn bó với công việc, không ít lần chị cảm thấy tủi thân khi người dân có thể ném túi rác ngay sau lưng chị- vị trí vừa được chị quét sạch. Nếu có nhắc nhở thì có người lại nói “nếu tụi tao không vứt rác thì làm sao có công việc cho tụi bay làm”.
“Chúng tôi chỉ là công nhân, chẳng có quyền gì để xử phạt họ cả. Thế nên đành phải chấp nhận dọn dẹp lại”, chị chia sẻ.
Câu chuyện của chị Xuân có lẽ hầu hết những công nhân cùng nghề với chị đều trải qua và không phải một lần mà rất nhiều lần.
Anh Hiền, người đã gắn bó với công việc thu gom rác 16 năm và có 8 năm quét dọn đường ở quận 8 cho biết, đã nhiều lần anh chứng kiến những hành động thiếu ý thức của người dân trong việc xả rác bừa bãi, “thậm chí họ rất coi thường những người lao công quét dọn như chúng tôi”, anh Hiền ngậm ngùi.
Không chỉ gặp khó khăn bởi người dân không hợp tác mà còn bởi nghề này khá nguy hiểm. Cũng đã có những tai nạn giao thông xảy ra rất thương tâm khi các anh chị đang làm nhiệm vụ ngoài đường.
Công việc vất vả, nguy hiểm nhưng trên thực tế hiện nay, thu nhập của công nhân lại rất thấp, trung bình ở mức từ 3-6 triệu đồng/tháng. Đây cũng là những trăn trở và tâm tư nhiều nhất của anh chị em. Bởi với mức lương ấy để đảm bảo chi phí sinh hoạt hàng ngày cho gia đình ngày tại TP này đã rất chật vật, chưa kể có người còn phải chăm sóc thêm cha mẹ già, lo cho con cái học hành.
Cần có chế tài đủ mạnh
Làm sao để người dân không xả rác ra đường, ra kênh rạch? Câu hỏi tưởng dễ tìm được câu trả lời nhưng hóa ra lại không hề đơn giản. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra từ nhiều năm nay, nhưng có lẽ cũng chưa thật sự hiệu quả.
Ông Cao Văn Tuấn cho rằng, trước hết vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định, không vứt rác bừa bãi, sai nơi quy định và thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý đổi mới, đầu tư đồng bộ phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường.
Cũng theo ông Tuấn kiến nghị cần chuyển Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước” trở thành nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của mỗi cá nhân, tập thể và lấy kết quả thực hiện làm cơ sở xét thi đua hàng năm./.
Những tâm tư và kiến nghị của chính công nhân tham gia quét dọn, thu gom rác được chia sẻ tại Hội nghị
Đồng thời, tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ông Tuấn đặt vấn đề, trong thời gian qua chúng ta đã áp dụng chế tài đủ mạnh đối với việc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hay uống rượu bia khi tham gia giao thông. Từ đó, trên thực tế, hiệu quả đạt được chính là hành vi của con người thay đổi hẳn theo hướng tích cực. Qua đây, chúng ta cần suy nghĩ và nghiên cứu đối với lĩnh vực xả rác thải bừa bãi để có giải pháp phù hợp.
Đồng tình với ý kiến trên, nhiều đại biểu tham gia hội nghị cũng cho rằng, cần phải lắp đặt hệ thống camera giám sát để xử lý và cần phải xử phạt nghiêm đủ sức răn đe.
Ông Uông Văn Sang (Phụ trách đội phản ứng nhanh Công ty Thoát nước Đô thị TP) đề nghị các bộ phận thu gom rác cần thống nhất với người dân thời điểm nhận rác cho phù hợp, tránh tình trạng người dân hiện nay hay vứt rác ra đường chờ thu gom. Điều này rất mất mỹ quan đô thị hơn nữa, gặp mưa hay triều cường, những bao rác to có thể rách, trôi rác khắp nơi, làm tắc nghẽn cống thoát nước.
Một số đại biểu cho rằng, các địa phương mỗi lần phát động đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh thì chủ yếu là lực lượng của các hội như: thanh niên, phụ nữ, cán bộ…mà ít nơi thấy người dân cùng tham gia. Mỗi đợt phát động cũng trong khoảng thời gian ngắn, xong đâu lại vào đấy, không thường xuyên, không tạo sức lan tỏa. Đại biểu cũng kiến nghị cần đẩy mạnh các phong trào tổng vệ sinh có sự tham gia của các em học sinh, những thế hệ trẻ, để giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh chung, vì một TP xanh, sạch, đẹp và văn minh.