Tại hội thảo, các tham luận đều cho rằng, tình trạng an toàn thực phẩm hiện nay thực sự đáng báo động, khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh, sản xuất nông nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20%-30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Do vậy, Thành phố gặp khó khăn trong việc quản lý và truy xuất nguồn gốc khi có sự cố về an toàn thực phẩm nông, lâm thủy sản,…

 Thành phố đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (Ảnh: V.Lê)

TS.BS Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, hiện nay, trong thực phẩm có những chất độc hại mà người dân hầu như không có khả năng nhận biết để quyết định việc chọn lựa thực phẩm của mình. Những chất độc hại đó có thể xâm nhập vào thực phẩm từ thiên nhiên như đất, nguồn nước trồng nông sản, môi trường nước nuôi thủy hải sản… hoặc do người sản xuất chế biến, kinh doanh bỏ thêm vào.

Để kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu thực phẩm từ gốc, TS.BS Lê Trường Giang đề nghị Thành phố tiếp tục thực hiện Đề án quản lý thực phẩm theo mô hình “Chuỗi thực phẩm an toàn”; triển khai mạnh mẽ việc thực hiện công nghệ giúp người dân có thể truy xuất nguồn gốc của thực phẩm; đồng thời xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

TP.Hồ Chí Minh hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20%-30% nhu cầu thực phẩm của người dân do đó, một lượng lớn thực phẩm được nhập từ địa phương khác gây khó khăn trong kiểm soát, truy xuất nguồn gốc. Trưởng phòng Quản lý Chất lượng Ban An toàn Thực phẩm Thành phố Nguyễn Thị Nhã Trúc cho rằng, Thành phố cần liên kết, phối hợp với các tỉnh trong kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm từ gốc và xây dựng các quy chuẩn chất lượng sản phẩm đưa vào tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh.

Kiến nghị giải pháp, Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh Lý Kim Chi cho rằng, Thành phố cần khuyến khích và kêu gọi đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sạch, xây dựng các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần có chính sách quy hoạch, phát triển, đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm cải tạo và nâng cấp chợ truyền thống thành các điểm mua bán văn minh, sạch đẹp, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp có thương hiệu bán lẻ mạnh trong nước phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu góp ý, Thành phố cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm. Theo kiến nghị của Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh Triệu Lệ Khánh thì Thành phố cần lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của nhân dân, báo chí về vi phạm an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm, kịp thời... Bên cạnh đó, TP tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất, thuốc trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm; tập trung xử lý dứt điểm việc sử dụng chất cấm, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Kết luận tại hội thảo, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.Hồ Chí Minh cho rằng, qua hội thảo này, với sự đóng góp ý kiến từ các cơ quan ban ngành, các đơn vị trực tiếp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ là tiền đề để TP.Hồ Chí Minh xem xét thấu đáo và đưa ra những giải pháp mang tính đột phá, phù hợp với đặc thù của Thành phố. 

Bà Thi Thị Tuyết Nhung cũng cho rằng, Thành phố cần những hành động cấp thiết và quyết liệt hơn trên các phương diện quản lý, pháp luật, kỹ thuật, xã hội,... Tăng cường kết nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tiêu thụ thực phẩm an toàn; cần nhân rộng mô hình, tiêu chí an toàn thực phẩm, đặc biệt là triển khai xây dựng vùng nguyên liệu sạch../.

V.Lê