Kẹt đường là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: K.V)

Ngoài những nguồn phát thải trên, hiện trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh còn nhiều nguồn phát thải ra không khí khác nữa như hoạt động xây dựng, các phương tiện tham gia giao thông, chính vì vậy, việc xử lý ô nhiễm không khí tại TP.Hồ Chí Minh đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh), chỉ số khí độc hại CO (cacbon mônoxit), tiếng ồn và bụi… trong không khí ở Thành phố này đang ở mức báo động, nhiều điểm như ngã tư An Sương, ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh, ngã tư Hàng Xanh, Gò Vấp…chỉ số độc hại có chiều hướng gia tăng, đồng thời, mức độ bụi trong không khí cũng tương tự.

Thời gian qua, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, có những ngày xảy ra hiện tượng sương mù dày đặc bao phủ cả Thành phố đến tận trưa. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, nguyên nhân là do không khí ô nhiễm nên xảy ra hiện tượng mùa khô. Đài cũng khuyến cáo người dân khi ra đường nên mang khẩu trang. Đặc biệt là trẻ em, sức đề kháng yếu sẽ dễ bị nhiễm các bệnh về đường hô hấp.

Chi cục Bảo vệ môi trường TP.Hồ Chí Minh nhận định, tình hình ô nhiễm không khí trên địa bàn Thành phố đang diễn biến ngày càng phức tạp, trên 80% mẫu kiểm tra không khí ở các điểm trên địa bàn Thành phố không đạt tiêu chuẩn cho phép, luôn ở mức nguy hại cao cho sức khỏe con người. Trong đó, lượng bụi lơ lửng sinh ra từ khói, bụi đang là nhân tố gây ô nhiễm hàng đầu. Nguyên nhân được xác định là do lưu lượng các loại phương tiện xe cơ giới tham gia lưu thông, nhất là xe ô tô tải lưu thông qua các khu vực trong Thành phố lên đến hàng chục nghìn lượt mỗi ngày và tình trạng tắc đường xảy ra thường xuyên cũng làm gia tăng ô nhiễm không khí.

Hiện TP. Hồ Chí Minh đã lắp đặt hàng chục vị trí quan trắc không khí trên địa bàn, để duy trì thực hiện quan trắc các chỉ tiêu NO2, CO, SO2, bụi, PM10 và tiếng ồn với tần suất 10 ngày/tháng, nhằm theo dõi, đánh giá tổng quát hiện trạng chất lượng môi trường không khí của Thành phố.

Cũng theo số liệu của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường TP. Hồ Chí Minh, nồng độ trung bình giờ của khí CO, hàm lượng trung bình giờ của bụi lơ lửng hiện nay tăng cao so với số liệu đo được vài năm trước đây, trong khi đó, mức ồn đo được không những tăng cao mà còn vượt tiêu chuẩn cho phép theo Tiêu chuẩn Việt Nam.

Theo đánh giá của các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, ô nhiễm môi trường không khí tại TP. Hồ Chí Minh đã tác động lên hệ hô hấp gây ra một số bệnh như tắc nghẽn phổi mạn tính, viêm phế quản, ung thư phổi... Việc ô nhiễm không khí tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng tăng như hiện nay khiến người dân hàng ngày phải tiếp xúc với ô nhiễm không khí nên số lượng người mắc bệnh ngày càng nhiều.

Các chuyên gia về xử lý ô nhiễm môi trường cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần có giải pháp kiểm soát các nguồn phát thải khí một cách chặt chẽ, hiệu quả. Đó là nguồn phát thải khí thải xe gắn máy và xe cơ giới; nguồn phát thải khí thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, tiến tới xây dựng các định mức phát thải khí thải, giấy phép xả thải khí thải tại cơ sở sản xuất có nguồn phát thải lớn. Đồng thời, Thành phố phải tiến hành một nghiên cứu toàn diện về khả năng tiếp nhận xả thải khí thải từng khu vực trên địa bàn. Kết quả này sẽ làm cơ sở cho quy hoạch kinh tế - xã hội của Thành phố.

Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu khí thải trong sản xuất, áp dụng các mô hình sản xuất sạch, sử dụng các nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng, sử dụng nhiên liệu xăng sinh học thay thế nhiên liệu truyền thống.

Các cấp, ngành chức năng của Thành phố phải tăng cường kiểm tra, giám sát chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng như các hoạt động xây dựng./.

K.V