Sáng 14/5, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn Thành phố.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở NNPTNT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Trung cho biết, TP Hồ Chí Minh hiện có 3.917 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn 274.154 con; trong đó 274 hộ nuôi heo bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn có nguy cơ đối với bệnh dịch tả heo châu Phi. Qua kiểm tra địa bàn ghi nhận, đến nay chưa phát hiện đàn heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi.
Đồng thời, TP Hồ Chí Minh có 11 cơ sở giết mổ heo với số lượng giết mổ bình quân hàng đêm là 6.500 – 7.000 con heo/ngày. Nguồn heo nhập vào TP Hồ Chí Minh giết mổ chủ yếu từ Đồng Nai (46,41%), Bình Dương (19,03%), Bình Thuận (10,88%), Bà Rịa – Vũng Tàu (8,01%)… Ngoài ra, Thành phố còn tiếp nhận thêm heo giết mổ từ các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh và Đồng Nai cung cấp cho thị trường Thành phố.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh
về phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi.
TP Hồ Chí Minh đang thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NNPTNT, đã ban hành quyết định xây dựng kế hoạch phòng chống dịch tả heo Châu Phi với các tình huống: Dịch ở miền Bắc, miền Trung; xảy ra ở ven thành phố và trong Thành phố.
Giám đốc Sở NNPTNT TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, sau khi đánh giá rút kinh nghiệm từ các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là sau khi tỉnh Đồng Nai công bố dịch, TP Hồ Chí Minh đã có những điều chỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh để phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài việc phát tờ rơi hướng dẫn phòng chống dịch, tăng cường công tác kiểm tra liên ngành tại các địa bàn quận huyện, Thành phố đã chỉ đạo tăng cường thành lập thêm 3 chốt kiểm dịch tạm thời tại khu vực cầu Phú Cường, cầu Bến Súc (Củ Chi) và khu vự cầu Phú Long (Quận 12) giáp ranh với tỉnh Bình Dương. Giám sát chặt chẽ nguồn heo vận chuyển về Thành phố phải xuất phát từ những điểm không có dịch, có giấy chứng nhận kiểm dịch ở cả 3 cấp, xã, huyện, tỉnh thì mới cho phép nhập vào; đồng thời thống nhất các tuyến đường đưa heo về Thành phố phải đi theo tuyến QL1A và QL1K và phải được tiêu độc khử trùng tại các trạm kiểm dịch.
Cùng với đó, tổ chức lấy mẫu tại các cơ sở chăn nuôi, các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, chợ đầu mối, nhằm giám sát bệnh dịch để chủ động tầm soát dịch bệnh. Thành phố cũng đã chủ động làm việc với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai và Long An trong việc chia sẻ thông tin dịch bệnh, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, Thành phố đã chỉ đạo các quận huyện không được phép chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ngành chức năng đã hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh bằng an toàn sinh học cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn các quận huyện của Thành phố. Đồng thời, khuyến cáo các hộ chăn nuôi không nên tận dụng lấy thức ăn thừa cho heo ăn; hoặc nếu có thì phải nấu sôi, sát trùng các thùng đựng thức ăn.
UBND Thành phố đã chỉ đạo cho Sở Công thương làm việc với các doanh nghiệp về khả năng cung ứng, dự trữ nguồn thịt heo đảm bảo cân đối cung cầu thị trường Thành phố. Hiện, nguồn thịt đang cung ứng cho thị trường từ các đơn vị khoảng 106,5 tấn thịt heo/ngày. Do vậy, Thành phố đang chỉ đạo tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đưa vào cấp đông dự trữ. Đặc biệt là sẽ bàn các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi tiêu thụ và chế biến thịt heo.
Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu đều cho rằng, tình hình dịch bệnh diễn biến sẽ phức tạp hơn, nhất là khi dịch bệnh xuất hiện ở các tỉnh phía Nam. Bên cạnh công tác phòng chống dịch, cũng có ý kiến cho rằng, nên có phương án giết mổ heo trước khi chưa mắc dịch bệnh để dự trữ nguồn thịt heo sạch; tăng cường biện pháp an toàn sinh học. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để người chăn nuôi thấy được sự hỗ trợ của Nhà nước, để nếu phát hiện dịch bệnh thì người dân sẽ tự nguyện tiêu hủy, tránh tình trạng bán chạy bán tháo để gỡ vốn.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã đánh giá cao TP Hồ Chí Minh là một địa bàn lớn nhưng đã làm tốt công tác kiểm soát và phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua. Đây là loại dịch bệnh hết sức nguy hiểm và có sự lây lan, lây nhiễm hết sức phức tạp. Do tỉ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất cao; vấn đề môi trường độ ẩm cao cũng rất thuận lợi cho dịch bệnh phát tán.
Bộ NNPTNT cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo cho các địa phương về phương án, kế hoạch hành động. Tuy nhiên, đến nay còn có những tồn tại nhất định đó là việc triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế, việc quản lý giết mổ, dù đã có điểm giết mổ tập trung, nhưng các tuyến đường vận chuyển còn lỏng lẻo các chốt điểm kiểm soát...
Theo ông Phùng Đức Tiến, hiện TP Hồ Chí Minh với tổng đàn heo hơn 274 ngàn con tập trung ở 5 huyện, do đó, việc kiểm soát cần phải siết chặt hơn nữa, vì nếu để xảy ra dịch thì rất nhiều hệ lụy phức tạp. TP Hồ Chí Minh phải hết sức cố gắng, quyết tâm hơn nữa để luôn đi tiên phong trong công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi, giữ được đàn heo ổn định và luôn kiểm soát tốt dịch bệnh trong mọi điều kiện.
*Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), Đồng Nai là địa phương chăn nuôi heo lớn nhất cả nước, lại giáp ranh với TP Hồ Chí Minh- địa phương có lượng tiêu thụ thịt heo rất lớn. Trong trường hợp tỉnh Đồng Nai có dịch thì nguy cơ thiếu thịt heo trên thị trường là rất lớn. Do đó, hiện Cục đang xin ý kiến Bộ NNPTNT hỗ trợ thêm chi phí cho các doanh nghiệp mua thịt heo trong giai đoạn này để cấp đông nhằm đảm bảo bình ổn thị trường. Song song đó, thành lập 5 trạm kiểm dịch quốc gia để kiểm tra dịch từng vùng./.