Triều cường làm ngập đường trên địa bàn quận 4, TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: K.V)

Chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, UBND TP.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực, chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, làm giảm thiểu thiệt hại thiên tai; tổ chức phòng, tránh kịp thời, an toàn và khắc phục hậu quả tác động của thiên tai trong thời gian ngắn nhất.

Cùng với đó, Thành phố đã tập trung ưu tiên triển khai đầu tư các công trình chống ngập, chống sạt lở, đẩy nhanh tiến độ các công trình phòng, chống lụt, bão, đê bao kết hợp giao thông nông thôn, góp phần hạn chế mức độ ảnh hưởng và thiệt hại do thiên tai gây ra so với cùng kỳ năm trước. Ngay trước mùa mưa bão, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, TP.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cấp, các ngành bổ sung hoàn chỉnh và triển khai các phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai từ cấp Thành phố đến các quận, huyện và xã, phường, thị trấn, song song với các kịch bản tổ chức sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn khi xảy ra lụt, bão, thiên tai.

Theo đó, TP.Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng hàng trăm công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn, bảo vệ cho hàng chục nghìn hộ dân vùng trũng của Thành phố. Ngoài ra, trong thời gian qua, TP.Hồ Chí Minh cũng đã tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo kịp thời bằng các hình thức thích hợp để nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác của cộng đồng chủ động phòng, tránh, ứng phó lụt, bão, thiên tai trên địa bàn…

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo bằng nhiều phương thức thích hợp, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung để nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác trong cộng đồng; kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các ngành các cấp; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra; tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai tại địa phương...

Được biết, năm 2019, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố là một nhiệm vụ góp phần thực hiện thành công “Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường” - một trong 7 chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X nhiệm kỳ 2016 – 2020 đề ra. Đồng thời tình hình thời tiết có khả năng sẽ tiếp tục diễn biến theo xu hướng phức tạp, ảnh hưởng đến dân sinh và sản xuất trên địa bàn Thành phố.

Để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố năm 2019, Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh đề nghị các Sở ban ngành, Ủy ban nhân dân quận huyện và các đơn vị có liên quan tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, đó là tiếp tục thực hiện công tác truyền thông, phổ biến pháp luật như: Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng…

Đồng thời tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng; quản lý các hoạt động nuôi thủy sản, sản xuất muối trong phạm vi rừng phòng hộ đảm bảo tính bền vững, không gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây rừng. Thực hiện trồng rừng thay thế đối với những dự án có chuyển diện tích rừng sang mục đích sử dụng khác; chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội tại địa phương tăng cường hoạt động phối hợp tuần tra kịp thời ngăn chặn mọi hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.

Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai. Nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn thành phố phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh xã hội hoá một số hoạt động khí tượng thủy văn, xây dựng hệ thống quan trắc chuyên dùng phòng, chống thiên tai. Quản lý, đầu tư, duy tu, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống thiên tai, ngập lụt, sạt lở, thủy lợi để bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất, kinh doanh. Nâng cao khả năng tiêu thoát nước, quản lý chặt chẽ, hạn chế việc san lấp kênh, rạch, ao, hồ. Triển khai kế hoạch và quy chế tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố; trong đó cần lập kế hoạch quản lý, đầu tư trang bị bổ sung các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, đủ công năng, công suất đáp ứng yêu cầu tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ./.

K.V