Sáng 10/3, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo đã tới dự Hội nghị.
Dự Hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; các đồng chí thành viên Tổ Công tác Trung ương; đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, thường trực HĐND Thành phố, thường trực UBND Thành phố cùng đại diện các sở, ban, ngành của Thành phố.
Hội nghị là dịp để đánh giá toàn diện việc tổ chức triển khai thực hiện và kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI trên địa bàn Thành phố; những ưu điểm, kết quả nổi bật, những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, qua đó, xác định phương hướng, mục tiêu, quan điểm, chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Qua tổng kết góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Theo báo cáo tại Hội nghị của Ban Thường vụ Thành ủy, trong 10 năm qua, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động “diễn biến hòa bình” với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, vừa tạo ra những điều kiện thuận lợi nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức cho quá trình phát triển kinh tế- văn hóa-xã hội và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh đó, trong 10 năm qua, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI và các văn bản của Trung ương về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Luôn kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế -xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai hiệu quả. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường, thế trận lòng dân vững chắc. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp được nâng lên. Lực lượng vũ trang Thành phố được tổ chức, xây dựng chất lượng ngày càng cao, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng. Huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị cùng toàn dân cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
|
|
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị |
Về phương hướng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo, Ban Thường vụ Thành ủy xác định mục tiêu chung là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, cấp ủy các cấp, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền Thành phố; phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với nền an ninh nhân dân vững mạnh. Tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh; chủ động ngăn ngừa, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã xác định 4 quan điểm trong phương hướng gồm:
Một là, chủ động phòng ngừa, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, xây dựng hệ thống chính trị Thành phố trong sạch, vững mạnh, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ba là, xây dựng lực lượng vũ trang Thành phố vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực dự báo, tham mưu, đề xuất và sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế -xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động nhiều nguồn lực cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
|
|
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao các kết quả của TP Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI. Đồng chí cho rằng, đạt được kết quả tích cực này có nhiều nguyên nhân; trong đó có sự quyết tâm cao trong lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, vai trò nòng cốt của các lực lượng Quân đội, Công an; sự tham gia tích cực của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và sự đồng tình ủng hộ của đông đảo Nhân dân. Cùng với đó là việc bám sát cơ sở, địa bàn; nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh, kiên quyết xử lý ngay từ đầu tại cơ sở, kết hợp chặt chẽ với xử lý tốt các vấn đề về thông tin và truyền thông, không để kẻ xấu lợi dụng tạo thành điểm nóng gây mất an ninh trật tự và ổn định chính trị xã hội.
Trong thời gian tới, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Theo đó, cần quán triệt nhận thức sâu sắc và vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo đường lối bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta trong tình hình mới; chủ động nghiên cứu, nắm, dự báo đúng tình hình; vừa lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý tốt, vừa tham mưu cho Đảng, Nhà nước, không để bị động bất ngờ; xử lý hiệu quả các tình huống, hóa giải các nguy cơ từ sớm, từ xa…
Thành phố cũng cần tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, đấu tranh kiên quyết làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình; phòng ngừa, vô hiệu hóa âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; chủ động phát hiện, tấn công trấn áp các loại tội phạm; phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại; chú trọng công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đặc biệt, Chủ tịch nước đề nghị Thành phố cần thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phát huy vai trò MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội; tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
|
|
Một số tập thể đã được nhận bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyếtTrung ương 8 khóa XI |
Cùng với đó cần không ngừng chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang Thành phố vững mạnh, toàn diện, nỗ lực, tiêu biểu; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; bảo đảm ổn định an ninh chính trị, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
Nhấn mạnh, cần đặt người dân là trung tâm trong quá trình phát triển, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; huy động sức mạnh tổng hợp từ nhân dân, củng cố thế trận lòng dân vững chắc.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu TP Hồ Chí Minh phát huy tối đa lợi thế, vị thế, vị trí địa chính trị trong công tác đối ngoại, nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển kinh tế-xã hội và giao lưu quốc tế với các nước trên thế giới, nhất là các nước trong tiểu vùng sông Mê Công, các nước ASEAN, các đối tác lớn. Chủ động triển khai mở rộng hoạt động giao lưu nhân dân với các nước bạn, nhất là trên các lĩnh vực có liên quan đến phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, huy động lực lượng bên ngoài kết hợp nội lực bên trong để tạo đà phát triển kinh tế nhanh và bền vững./.