leftcenterrightdel

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng nhận Huân chương Lao động hạng Ba cho huyện Củ Chi.

(Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 12/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh do Huyện ủy – HĐND  – UBND  – Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Củ Chi tổ chức.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT; Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GT-VT; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT-TT; Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Cùng dự còn có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Củ Chi về thành tích đặc biệt xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Đồng thời, trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Cũng tại buổi lễ, 1 tập thể và 2 cá nhân được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 14 tập thể và 18 cá nhân được trao tặng Bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Củ Chi, chúc mừng các tập thể và cá nhân được khen thưởng.

Theo Chủ tịch nước, những năm vừa qua, chính quyền và Nhân dân huyện Củ Chi đã ra sức xây dựng quê hương, từng bước thay đổi bộ mặt vùng nông thôn chuyển dịch cơ cấu nông-công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, ổn định đời sống Nhân dân. Đặc biệt, trong năm 2021, trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm chính trị cao, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị toàn diện trên các lĩnh vực đạt và vượt 17/21 chỉ tiêu chủ yếu. Huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19; đảm bảo an sinh xã hội, không để dân đói, dân khó khăn trong dịch bệnh. Sau dịch, huyện đã nhanh chóng bắt tay vào phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh; đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

leftcenterrightdel
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chụp ảnh cùng gia đình chính sách tại huyện Hóc Môn.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu huyện Củ Chi tiếp tục thực hiện hiệu quả đa mục tiêu vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú ý đến phát triển kinh tế tại địa phương để người dân có thu nhập tốt hơn nữa. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính; chú trọng công tác giáo dục, quan tâm khuyến học, khuyến tài; quan tâm phát triển văn hóa và chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa.

Trưa 12/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm một số gia đình chính sách trên địa bàn huyện Củ Chi.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi ân cần đến các gia đình người dân huyện Củ Chi chịu đựng những mất mát trong dịch COVID-19; đồng thời biểu dương đội ngũ cán bộ tuyến đầu lập nhiều thành tích trong công tác phòng, chống dịch của địa phương. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thành tích trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Củ Chi đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của vùng đất Anh hùng; tạo điều kiện thuận lợi cho đà phát triển bứt phá của huyện trong thời gian tới.

*Nhân dịp này, cũng trong sáng 12/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thị sát và Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, có trụ sở tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 2004 với tổng mức đầu tư toàn Khu là 152 tỷ đồng theo mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại New Zealand, nhằm thúc đẩy hợp tác về khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ giữa các nước và Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới nền công nghiệp xanh, hiện đại và bền vững.

Cơ sở này đã thành lập được ngân hàng nguồn gen bảo tồn và lưu trữ các giống cây, giống con quý hiếm phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học, lai tạo và sản xuất, tạo ra các nguồn giống mới có đặc tính vượt trội và giá trị kinh tế cao.

leftcenterrightdel

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

(Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tính đến cuối năm 2021, các doanh nghiệp hoạt động trong Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh và các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã sản xuất và cung cấp hơn 6.211 tấn thành phẩm; cung cấp 10-20 triệu cây lan giống; 3-5 triệu con cá giống...

Thời gian qua, Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh đã thu hút, kết nối với hơn 30 chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để tư vấn định hướng nghiên cứu khoa học, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ, tư vấn nghiên cứu thị trường, xây dựng mô hình kinh doanh, kênh phân phối...

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước các thành quả Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (Khu NNCNC) đã làm được trong thời gian qua, nhất là thành quả trong sản xuất giống cây, giống con, đặc biệt là cây thực phẩm, cây hoa tươi đưa vào sản xuất. Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh đã góp phần đóng vai trò đưa nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng.

Bước đầu Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh đã đi tiên phong trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, hướng đến phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, khắc phục tính mùa vụ, thích ứng với thời tiết, biến đổi khí hậu và đây cũng là con đường tất yếu của nông nghiệp Việt Nam.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, sứ mệnh của Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh không chỉ giới hạn trong việc thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố, mà còn đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi nông nghiệp của miền Đông và miền Tây Nam bộ theo hướng chất lượng, giá trị, thân thiện môi trường.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, Thành phố và Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao cần tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp với sứ mệnh đến năm 2030, đưa đơn vị trở thành nơi dẫn dắt nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh và khu vực phát triển hiện đại; từ đó góp phần tích cực vào việc phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.

Gợi mở các trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân yêu cầu Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh và Ban Quản lý Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh chủ động hơn trong việc huy động mọi nguồn lực, trong đó chú trọng nguồn xã hội hóa để phát triển nông nghiệp Thành phố theo hướng hiện đại. Nghiên cứu hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao bằng cơ chế hấp dẫn, thu hút mọi thành phần tham gia.

Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất để phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao, hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao đa chức năng, phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao; nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Cần Giờ, Bình Chánh trong thời gian tới.

Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan chức năng nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước đối với Khu nông nghiệp công nghệ cao, xử lý nghiêm việc không triển khai theo đúng tiến độ nếu có. Cùng với đó là đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường trong nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á, qua đó nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng, nâng cao giá trị sản phẩm sản nông nghiệp, nhất là các sản phẩm giống cây con, ươm mầm phát triển.

Cũng trong sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm, dâng hương tại Di tích lịch sử nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9/1940 tại huyện Hóc Môn. Chủ tịch nước đã thăm, tặng quà ông Phan Công Cường, thương binh hạng 1/4, sinh sống tại Khu phố 3, huyện Hóc Môn; thăm tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Ni, sinh sống tại Thị trấn Hóc Môn, có con độc nhất là liệt sỹ; thăm bà Lê Thị Lộc, con Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Hồi sinh sống tại thị trấn Hóc Môn./.

 

 

V.Lê