Rừng phòng hộ Cần Giờ (Ảnh: Thu Hằng)
Chung tay bảo vệ rừng
Rừng phòng hộ Cần Giờ có ranh giới tự nhiên được bao quanh bởi hệ thống sông Soài Rạp, Thị Vải, Đồng Tranh, Nhà Bè, tiếp giáp với huyện Nhà Bè và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang. Theo Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, với nhận thức sâu sắc về việc bảo vệ rừng để đảm bảo một môi trường trong lành cho TP.Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực Đông Nam Bộ, các cấp, các ngành chức năng, và nhân dân địa phương đã có nhiều hoạt động bảo vệ rừng. Đặc biệt, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, cơ quan đặc trách trong việc quản lý và bảo vệ rừng đã có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác này suốt thời gian qua.
Ông Huỳnh Đức Hoàn, Phó trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết, ngay từ đầu năm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ đã triển khai kế hoạch quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng năm 2018 đến tất cả các đơn vị trực thuộc và đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng. Theo đó, tập trung đẩy mạnh hoạt động của 39 tổ tự quản bảo vệ rừng của các hộ gia đình nhận khoán thuộc Ban và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Công ích Thanh niên xung phong, tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ - kỹ năng tuần tra bảo vệ rừng cho các tổ tự quản, tổ chức kiểm tra chéo giữa các tổ và thành viên trong tổ nhằm đánh giá khách quan kết quả hoạt động của các tổ tự quản bảo vệ rừng.
Đồng thời, tổ chức mô hình hoạt động của các đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng theo địa bàn xã thành mô hình bảo vệ của các cụm giáp ranh, không ngừng nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động, tăng cường tần suất phối hợp tuần tra, phân công cụ thể trách nhiệm các đơn vị tham gia trong phát hiện, lập biên bản, xử lý các hành vi vi phạm. Công tác phối hợp tuần tra, truy quét địa bàn giữa chủ rừng với Uỷ ban nhân dân xã, Ban Chỉ huy thống nhất các xã, lực lượng Kiểm lâm, Công an, Biên phòng được triển khai có chất lượng và hiệu quả, góp phần rất lớn vào việc ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Việc tổ chức các hội nghị giao ban bảo vệ rừng hàng tháng, sơ kết các Quy chế phối hợp giữa Ban với các xã, Quy chế phối hợp Cụm giáp ranh, Quy chế hoạt động của tổ tự quản được Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, Uỷ ban nhân dân các xã, các đơn vị nhận khoán quan tâm thực hiện thường xuyên, qua đó đánh giá được những hạn chế, tồn tại cần khắc phục và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn công tác phối hợp quản lý tài nguyên, an ninh trật tự, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử lý các hành vi vi phạm trên toàn địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ và đơn vị nhận khoán đã tổ chức tuần tra bảo vệ rừng trên 4.900 đợt với trên 11.800 lượt người tham gia, qua tuần tra phát hiện bốn vụ việc vi phạm theo quy định về bảo vệ và phát triển rừng trong địa bàn Rừng phòng hộ, giảm hai vụ vi phạm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có một vụ khai thác rừng trái phép, hai vụ phá rừng trái pháp luật và một vụ săn bắt động vật rừng. Qua đây đã lập biên bản và chuyển giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Tổ chức thống kê số cây rừng bị thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng là trên 1.100 cây.
Qua việc tổ chức kiểm tra, nghiệm thu công tác quản lý bảo vệ tài nguyên Rừng phòng hộ Cần Giờ những tháng đầu năm 2018, các hộ dân, phân khu và đơn vị nhận khoán thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng phòng hộ Cần Giờ theo nội dung hợp đồng khoán đã ký, qua đây cũng đã nâng cao đời sống hộ nhận khoán để giữ rừng.
Cùng với bảo vệ rừng, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ cũng chú trọng đến việc phát triển tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học với những hoạt động cụ thể như tăng cường tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã, tuần tra ngăn chặn các hành vi săn bắt động vật hoang dã trong rừng phòng hộ; bảo vệ chặt chẽ ba khu bảo tồn chim, thú được TP.Hồ Chí Minh phê duyệt, đó là các khu bảo tồn chim, bảo tồn dơi tại Tiểu khu 15a và khu bảo tồn khỉ đuôi dài tại Tiểu khu 17.
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ cũng đã triển khai thực hiện 9 chương trình nghiên cứu, quan trắc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng nhằm định hướng công tác quản lý tài nguyên rừng hướng đến phát triển bền vững, gia tăng diện tích rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; phối hợp Viện Sinh thái học Miền Nam điều tra thành phần các loài chim trong rừng phòng hộ phục vụ đề tài bảo tồn đa dạng sinh học gắn phát triển du lịch sinh thái.
Ngoài ra, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ còn tiếp tục thực hiện kế hoạch điều tra đánh giá thành phần côn trùng tại các Tiểu khu trong Rừng phòng hộ Cần Giờ, theo dõi quá trình phát triển của loài bướm báo hoa vàng Cethosia cyane (ấu trùng gây hại trên cây nhãn lồng hay chùm bao Passiflora foetida), theo dõi mùa hoa của các loài đước đôi, trang, xu sung, bần ổ…, đồng thời hoàn thành tiêu bản của 74 loài côn trùng.
Từ đầu năm đến nay, công tác truyền thông giáo dục môi trường cũng được Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ tập trung lãnh đạo thực hiện tốt về chất lượng và nội dung. Theo đó, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ tiếp tục thông tin tuyên truyền theo hướng đa chiều giúp đối tượng truyền thông được dễ dàng tiếp cận. Phát huy hiệu quả của 7 Câu lạc bộ Phụ nữ Ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn với 150 thành viên tham gia; thực hiện chương trình học tập ngoại khóa cho học sinh sinh viên; tiếp tục triển khai các nội dung hoạt động của 23 Câu lạc bộ “Em yêu thiên nhiên” với 920 thành tham gia… qua đây góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư địa phương trong việc bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường. Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ Phối cũng đã hợp Đài truyền thanh huyện Cần Giờ tổ chức tuyên truyền các nội dung về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Luật Đa dạng sinh học, bảo vệ an ninh trật tự đến cộng đồng dân cư trong rừng, ven rừng. Đã có trên 134 nghìn lượt người tham gia tuyên truyền, tăng 73% so cùng kỳ năm 2017.
Tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ (Nguồn: UBND huyện Cần Giờ))
Khoán rừng để bảo vệ rừng
Trong những năm qua, công tác bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ đã được thực hiện khá tốt, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng.
Được biết, từ năm 1990, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ đã tiến hành thí điểm giao khoán bảo vệ rừng cho 10 hộ. Mô hình thí điểm đã mang lại hiệu quả tốt khi những hộ dân này đã yên tâm gắn bó và tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng. Đến nay, các hộ nhận khoán đầu tiên vẫn đang tiếp tục gắn bó với rừng Cần Giờ và được coi như những hạt nhân trong quản lý, bảo vệ rừng.
Từ hiệu quả bảo vệ rừng của 10 hộ nhận khoán đầu tiên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đã mở rộng thêm số hộ nhận khoán qua từng năm. Đến nay, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ đã tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho 144 hộ gia đình tại địa phương và 12 cơ quan, đơn vị với các điều khoản cụ thể trong Hợp đồng giao khoán nhằm đáp ứng mục tiêu đề ra.
Các hộ nhận khoán ở đây đều cho rằng, qua việc nhận khoán đã cải thiện và nâng cao đời sống các hộ dân, qua đó góp phần phát triển kinh tế địa phương, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, những năm qua, Ban Quản lý đã thường xuyên quan tâm đến các chế độ chính sách và chăm lo đời sống cho công chức, viên chức, người lao động và hộ giữ rừng. Luôn thực hiện chu đáo các chế độ chính sách liên quan đến thu nhập, chế độ cho viên chức, người lao động như đảm bảo toàn bộ công chức, viên chức, người lao động được mua bảo hiểm bắt buộc. Chi hỗ trợ tiền trực đêm, chi phụ cấp lội rừng, chi làm thêm giờ; tạm chi tăng thu nhập cho công chức, viên chức và người lao động 500.000đ/người/ tháng từ nguồn tiết kiệm; tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng cho công chức, viên chức, người lao động đúng theo Nghị quyết Hội nghị Cán bộ, công chức, viên chức năm 2018 đã ban hành.
Đối với hộ dân nhận khoán giữ rừng, bên cạnh mức thu nhập từ tiền công nhận khoán bảo vệ rừng, Ban Quản lý cũng đã tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn sản xuất phụ dưới tán rừng như nuôi cua, hào, sò huyết, cá…, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ đã phối hợp với Ngân hàng Sacombank tạo điều kiện cho 88 hộ vay với tổng số tiền là 2,1 tỷ đồng và đã giải ngân cho 17 hộ vay vốn từ quỹ Oxfam số tiền là 160 triệu đồng.
Đồng thời cũng đã tổ chức mua bảo hiểm cho hộ giữ rừng, qua đây nhằm đảm bảo toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình được mua bảo hiểm y tế hộ gia đình với trên 300 người, lao động giữ rừng được mua bảo hiểm xã hội tự nguyện với 210 người. Điều này giúp cho việc chăm sóc sức khỏe người dân được tốt hơn, đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động, giúp người dân tin tưởng hơn vào chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Có thể khẳng định các hộ dân nhận khoán đã có những đóng góp không nhỏ vào công tác quản lý, bảo vệ rừng Cần Giờ suốt gần 30 năm qua. Các hộ nhận khoán được tổ chức thành những tổ tự quản, mỗi tổ có từ 5 đến 6 chốt, cùng tuần tra bảo vệ trên toàn bộ khu vực rừng của các thành viên. Khi phát hiện hành vi xâm phạm tài nguyên rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, các chốt lại liên lạc, cảnh báo ngay cho nhau bằng điện thoại, đồng thời báo ngay cho kiểm lâm địa bàn, kiểm lâm cơ động, phân khu... Nhờ vậy, ở nhiều phân khu, trong suốt nhiều năm, không để mất một cây rừng nào.
Ngoài ra, các hộ nhận khoán còn tích cực tham gia theo dõi những diễn biến của tài nguyên rừng để thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý như tình trạng sâu hại ăn lá cây mắm, tình trạng cây chết chưa rõ nguyên nhân, sạt lở trong rừng, theo dõi và ghi nhận sự xuất hiện của động vật hoang dã...
Ông Huỳnh Đức Hoàn, Phó trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ khẳng định, việc giữ được rừng Cần Giờ như ngày nay có vai trò và công sức rất lớn của những hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng trong suốt mấy chục năm qua, bởi đây là những người đã gắn bó với rừng và biết yêu thương, trân quý với những gì đã đi theo suốt cuộc đời của họ./.