Sáng 14/2, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Kỷ Hợi 2019. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong dự và phát biểu chỉ đạo.
Quang cảnh Hội nghị.
Chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân
Báo cáo tại Hội nghị, Chánh văn phòng UBND Thành phố Võ Văn Hoan cho biết, công tác tổ chức, chăm lo tết Kỷ Hợi 2019 đã được Thành phố tổ chức chăm lo chu đáo cả đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đảm bảo Tết đến mọi nhà, mọi người, góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, tin vào sự phát triển đi lên của đất nước và thành phố. Thành phố thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách có công, có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, công nhân, sinh viên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí hơn 1.540,71 tỷ đồng (tăng 152,11 tỷ đồng so với năm 2018). Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã kịp thời chăm lo Tết đầy đủ, thường xuyên động viên, thăm hỏi các hộ dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất thực hiện các dự án trọng điểm của Thành phố.
Thành phố cũng chỉ đạo theo dõi việc chi trả tiền lương, thưởng cho người lao động; nắm chắc tình hình đời sống, sinh hoạt của công nhân; giải quyết kịp thời các vụ đình công, tranh chấp lao động tập thể, không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và an ninh trật tự.
Qua báo cáo của 1.948 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, mức thưởng bình quân Tết Kỷ Hợi 2019 cao hơn 23,21% so với Tết Mậu Tuất 2018, cụ thể mức thưởng thấp nhất là 4,2 triệu đồng/người, cao nhất là 1,17 tỷ đồng/người, mức bình quân là 9,88 triệu đồng/người (cao hơn so với năm 2018 là 8,02 triệu đồng/người).
Nguồn hàng trong dịp Tết đa dạng, phong phú với giá cả ổn định.
Quản lý tốt thị trường, nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định
Thành phố đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương có liên quan để kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng hóa tại thành phố, đảm bảo hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Thông qua Chương trình hợp tác thương mại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, Thành phố chủ động làm việc với các địa phương có nguồn cung ứng lượng hàng lớn như: Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang… thực hiện kết nối cung cầu, nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa phục vụ Tết. Công tác đánh giá, dự báo tình hình thị trường và triển khai việc chuẩn bị đến các doanh nghiệp bình ổn thị trường, 3 chợ đầu mối, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp lớn sản xuất kinh doanh sản phẩm thiết yếu phục vụ Tết được triển khai hiệu quả đã góp phần đảm bảo nguồn hàng cũng như giá cả ổn định.
Các doanh nghiệp bình ổn thị trường (chiếm từ 30% - 40% thị phần) chủ động nguồn hàng; cung ứng hàng hóa đủ số lượng đăng ký đã được phê duyệt; đảm bảo hàng hóa tham gia Chương trình đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký, được thẩm định và phê duyệt. Trong đó, các đơn vị đã thực hiện việc giữ giá ổn định, không tăng giá bán các mặt hàng tham gia Chương trình trong 2 tháng Tết (1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết Nguyên đán), tổng giá trị 18.424,8 tỷ đồng (tăng 612,7 tỷ đồng, tương đương 3,44% so với cùng kỳ năm 2018 là 17.812,1 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã đẩy mạnh đầu tư phát triển điểm bán, mở rộng mạng lưới phân phối hàng bình ổn thị trường, ưu tiên phát triển tại các khu vực vùng ven, huyện ngoại thành, các Khu chế xuất, Khu công nghiệp... Tích cực phối hợp, tham gia các đợt bán hàng lưu động tập trung, hội chợ Tết, phiên chợ công nhân... phục vụ người dân địa phương, công nhân lao động. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp bình ổn thị trường ước đạt 19.822 tỷ đồng (tăng 1.143 tỷ đồng (6,12%) so với năm 2018). Trong đó, doanh thu hàng bình ổn thị trường ước đạt 8.450,8 tỷ đồng (tăng 882,1 tỷ đồng (11,65%) so với năm 2018).
Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi chuẩn bị nguồn vốn và ký hợp đồng dự trữ lượng hàng tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường, cùng với kế hoạch dự trữ tăng 15% - 20% của các nhà cung cấp, các hệ thống cũng lên kế hoạch tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tăng thời gian phục vụ, mở thêm các quầy thu ngân phụ đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân vào thời điểm cận Tết và mở cửa phục vụ sớm, cụ thể: trung tâm thương mại Aeon Mall, Lotte vẫn mở cửa phục vụ vào Mùng 1 Tết; hệ thống siêu thị Co.opMart, Satra, Vissan… mở cửa phục vụ vào Mùng 2 Tết,… Ngoài ra, nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi như Shop&go, Ministop, Bs’Mart, Circle K, FamilyMart… mở cửa phục vụ liên tục 24/24, không nghỉ Tết. Tỷ lệ hàng Việt Nam trong các hệ thống siêu thị chiếm 80% đến 95%.
Trong dịp Tết, Thành phố cũng thường xuyên chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, tạo nguồn, cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa ra thị trường kịp thời, đầy đủ, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội
Báo cáo của UBND Thành phố cho biết, Thành phố thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm và đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông - trật tự an toàn xã hội nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, nơi diễn ra các sự kiện chính trị, các hoạt động kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, các lễ hội, văn hóa, văn nghệ, trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước, khu vực tập trung đông người và hoạt động của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đêm giao thừa, các đơn vị trực chiến đấu ở Công an thành phố và Công an quận huyện gồm: lực lượng trinh sát an ninh, cảnh sát hình sự, ma túy, kinh tế, môi trường, giao thông, trật tự, cơ động; công an phường, xã, thị trấn đều tổ chức trực 100% quân số và luôn trong tư thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, để trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết, Công an thành phố đồng loạt triển khai kế hoạch bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát hỗn hợp tại nhiều địa bàn. Lực lượng này gọi tắt là 363 (gồm Cảnh sát giao thông, hình sự, cơ động) trong dịp Tết đã thường xuyên tuần tra kiểm soát chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên đường phố, nơi công cộng và những khu vực trọng điểm đã mang hiệu quả.
Trong dịp Tết, trên địa bàn Thành phố xảy ra 48 vụ phạm pháp hình sự, giảm 5 vụ (-9,43%) so cùng kỳ, đã điều tra khám phá nhanh 33 vụ (tỷ lệ 68,75%), tạm giữ 30 đối tượng.
Trên địa bàn Thành phố xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông, giảm 8 vụ (-16,33%), làm 9 người chết, tăng 03 người (+50%), làm bị thương 07, giảm 14 người (-34,14%) so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy tại nơi có nguy cơ cháy cao. Thành phố đã bố trí đầy đủ phương tiện vận chuyển, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên các loại hình: đường bộ, đường thủy và hàng không.
Tuy nhiên, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Võ Văn Hoan cũng chỉ ra các hạn chế, thiếu sót trong Tết 2019. Đó là, một số quận - huyện chưa quản lý chặt chẽ địa bàn, vẫn còn hiện tượng mua bán, lấn chiếm vỉa hè, sử dụng loa thùng hát karaoke quá giờ quy định gây ô nhiễm tiếng ồn khu dân cư; tình trạng đốt pháo trái phép, pháo tự chế, cờ bạc với quy mô nhỏ vẫn còn xảy ra tại một số địa bàn. Trong những ngày tết, vẫn còn hiện tượng lang thang xin ăn, vẫn còn một số trụ ATM không hoạt động, hết tiền, nuốt thẻ và dịch vụ Internet banking vào những ngày cận Tết bị tắc nghẽn, gây khó khăn cho hoạt động mua sắm, chi trả, chuyển tiền của người dân…
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị
sau nghỉ Tết phải tập trung ngay vào công việc.
Các cơ quan, đơn vị phải tập trung ngay vào công việc
Phát biểu tổng kết hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố đã ghi nhận và biểu dương nỗ lực của các đơn vị, cá nhân đã góp phần đảm bảo Thành phố đón Tết “vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm”, đảm bảo Tết đến với mọi nhà, mọi người.
Bước sang năm 2019, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu tất cả các đơn vị cần quán triệt thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, không tổ chức du xuân, liên hoan sa đà, lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, không được tổ chức đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi công vụ. Các cơ quan, đơn vị phải tập trung ngay vào công việc và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Chủ đề năm 2019 Thành phố đã xác định là Năm Cải cách hành chính và đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh do đó, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị phải có kế hoạch công việc trọng tâm cụ thể cần thực hiện theo từng quý, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân nhất là vai trò nêu gương đồng thời xác định rõ thời gian hoàn thành với tinh thần cụ thể, không chung chung.
Các sở, ngành, quận, huyện phải tiếp tục đổi mới tư duy, sáng tạo cách làm trong cải cách hành chính; sơ kết đợt cao điểm thi đua cải cách hành chính đã phát động vào cuối năm 2018, đánh giá xem việc cải cách hành chính trong 3 tháng qua đã mang lại hiệu quả như thế nào, có chuyển động thực sự, có góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội hay không?
Đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý từng đơn vị phải chú ý xác định “đột phá” cải cách hành chính là đột phá chỗ nào, khâu nào? Đồng thời, thực hiện hiệu quả việc nhận ủy quyền từ UBND Thành phố và Chủ tịch UBND Thành phố để tăng tính chủ động trong giải quyết công việc. “Mục tiêu cuối cùng là hiệu quả công việc, mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Và kết quả hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo quan trọng để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức”, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Về 7 chương trình đột phá, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, hiện còn nhiều mục tiêu chậm so với dự kiến ban đầu đặt ra. Các đơn vị, quận huyện phải tính toán giải pháp phù hợp để tạo hiệu quả cụ thể. Trong năm 2019 – năm có ý nghĩa nước rút trong nhiệm kỳ 2016-2020, một số quận, huyện sẽ hoàn thành sớm một số chỉ tiêu trong nhiệm kỳ. Đồng chí Nguyễn Thành Phong mong muốn tinh thần tăng tốc này được lan tỏa tới tất cả các sở, ngành, quận, huyện, cùng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ bằng các nội dung, công trình cụ thể, hiệu quả.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện quyết liệt rà lại các vấn đề pháp lý của các dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, không để dự án “treo” kéo dài. Các sở, ngành phải có sự phối hợp, tạo hành lang pháp lý minh bạch, tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển, không được tái diễn đùn đẩy trách nhiệm để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Thành phố.
Dịp này, UBND TP.Hồ Chí Minh tặng Bằng khen cho 188 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, chăm lo Tết Nguyên đán 2019./.