Bữa ăn của học sinh bán trú tại một trường trên địa bàn quận 5 (Ảnh: Báo SGGP)
Việc này nhằm đảm bảo phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Cùng với việc yêu cầu các bếp ăn, căng tin, cơ sở dịch vụ ăn uống và các cơ sở cung cấp thức ăn sử dụng nguồn nguyên liệu an toàn, có truy xuất nguồn gốc để chế biến, các đơn vị cũng cần từng bước xây dựng lộ trình phải sử dụng các thực phẩm tươi sống đảm bảo an toàn như: sản phẩm VietGAP, GlobalGAP, chuỗi thực phẩm an toàn; đối với các thực phẩm chế biến, khuyến khích sử dụng các sản phẩm từ các cơ sở đã được chứng nhận HACCP, ISO 22000...
Đối với các bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến trong trường học tại 6 quận thí điểm (3, 5, 8, 11, Tân Bình và Bình Thạnh), UBND quận có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc tiếp nhận các sản phẩm thực phẩm an toàn ngay trong năm học 2018 – 2019.
TP.Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm cho người dân, nhằm nâng cao nghiệp vụ, kiến thức, nhận thức về đảm bảo an toàn thực phẩm cho cán bộ, người quản lý, các đơn vị giám sát, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Bên cạnh công tác tuyên truyền, việc thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này cũng được triển khai quyết liệt.
Từ đầu năm tới nay, các cơ quan chức năng của Thành phố đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 2.229 cơ sở, trường hợp, phát hiện vi phạm 449 cơ sở, xử phạt 333 cơ sở với tổng số tiền 3.136.155.000 đồng, tiếp tục xử lý 89 cơ sở, 1 cơ sở chuyển hồ sơ sang cơ quan khác xử lý. Ngoài ra, các Đội Quản lý an toàn thực phẩm liên quận - huyện cũng đã phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm tuyến quận - huyện trong công tác kiểm tra đối với 22.070 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, phát hiện vi phạm 7.676 cơ sở, xử lý phạt tiền 754 cơ sở với tổng số tiền phạt 3.596.627.270 đồng. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố./.