Thực hành kỹ năng nghề chuyên sâu tại doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Một trong những mục đích của Kế hoạch là đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu, 8 ngành dịch chuyển lao động tự do trong khối ASEAN và ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TP giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X.

Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện thực hiện rà soát, xác định thế mạnh tuyển sinh theo lĩnh vực ngành nghề đào tạo của các trường, phân công đào tạo theo từng lĩnh vực; trong đó ưu tiên cho các trường chất lượng cao, trường có nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia và các ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên của TP.

Về việc thí điểm tổ chức thực hiện mô hình “đào tạo kép", các trường cao đẳng, trung cấp có đào tạo 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp tổ chức quá trình đào tạo cho học sinh, sinh viên theo phương thức: 30% thời gian học tại trường (lý thuyết và thực hành căn bản) và 70% thời gian học thực hành kỹ năng nghề chuyên sâu tại doanh nghiệp. Triển khai thí điểm đào tạo 250 học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng và trung cấp.

Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng nghề cho giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp quốc gia. Đặc biệt là phát triển, hình thành đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn quốc tế, đủ năng lực quản lý, giảng dạy các chương trình chuyển giao từ nước ngoài. Tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, hình thành một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ sở vật chất hiện đại, đủ khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, chương trình đào tạo của một số nước tiên tiến đáp ứng yêu cầu đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia đến năm 2020 nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng thời cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quốc gia và TP./.

H.Thảo/hcmcpv.org.vn